Không thể lẩn trốn trách nhiệm cá nhân

(ĐTCK) Việc đưa thêm quy định về trách nhiệm của pháp nhân vào Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sẽ khiến không thể “lẩn trốn” trách nhiệm cá nhân.
Việc cân nhắc tỷ lệ chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn gặp khó khăn Việc cân nhắc tỷ lệ chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn gặp khó khăn

Đây là khẳng định của ông Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý III/2015 sáng ngày 16/10. Được biết, Bộ luật Hình sự sau 14 năm thi hành đang trong tiến trình sửa đổi với một số nội dung mới được đưa vào, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự xã hội trong bối cảnh mới.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vốn không được quy định trong luật hiện hành. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến lo ngại các cá nhân, người đứng đầu, có hành vi phạm tội trong các DN sẽ tìm cách lẩn trốn trách nhiệm, bằng cách đổ thừa cho trách nhiệm pháp nhân.

Theo ông Trần Văn Dũng, khi đưa quy định về trách nhiệm pháp nhân vào Dự thảo luật, vì đây là vấn đề mới, cơ quan soạn thảo đã rất thận trọng, tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành và cân nhắc rất kỹ. Ngay tại Điều 75 của Dự thảo đã quy định rõ, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm của cá nhân.

Về nguyên tắc khi có vi phạm, đầu tiên phải xem xét trách nhiệm cá nhân trước và chỉ xử lý trách nhiệm pháp nhân khi có đủ 3 điều kiện: vi phạm do người đại diện, người đứng đầu của pháp nhân thực hiện, mang lại lợi ích toàn thể cho pháp nhân đó và phải được toàn bộ ban lãnh đạo pháp nhân đồng thuận. Nếu không có đủ điều kiện nói trên thì chỉ xem xét trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, không có chuyện “lẩn trốn” trách nhiệm cá nhân vào trong trách nhiệm pháp nhân.

Quy định “tiền - tù” cũng được dư luận quan tâm khi Dự thảo luật đặt ra vấn đề chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ (án treo) thành hình phạt tù có thời hạn. Thực tiễn áp dụng Bộ luật hình sự nhiều năm qua cho thấy, chưa có biện pháp xử lý đối với những trường hợp bị phạt tiền nhưng không thi hành, cố tình chây ỳ. Do đó, cần thiết phải có quy định chuyển đổi, nếu không thi hành hình phạt tiền thì có thể bị chuyển đổi thành hình phạt tù có thời hạn.

Đây cũng là một vấn đề mới trong Dự thảo luật lần này, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, quy định như trên không có gì lạ. Tuy nhiên, ở các nước trên thế giới có quy chuẩn rõ ràng về ngày công lao động, việc áp dụng quy định chuyển đổi hình phạt đơn giản hơn khi có thể tính ra ngày phạt tù từ giá trị ngày công lao động và số tiền không chấp hành nộp phạt.

Theo ông Trần Văn Dũng, ở Việt Nam, không có quy chuẩn về ngày công lao động, do đó việc cân nhắc tỷ lệ chuyển đổi gặp khó khăn. Phương án được đưa ra hiện nay là căn cứ vào khung hình phạt, hình phạt tiền thường nằm ở khung hình phạt thấp, đi kèm hình phạt tiền có hình phạt tù, nên có thể trao quyền cho Tòa án, cho thẩm phán quyết định. Ví dụ, đối với khung hình phạt tiền 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm, trường hợp này cho phép Tòa án, thẩm phán cân nhắc, xem xét và thực hiện việc chuyển đổi.

Tuy nhiên, luật pháp sẽ ứng xử ra sao với trường hợp người bị phạt tiền chỉ chấp hành được một phần của bản án? Với trường hợp đối tượng đã cố gắng chấp hành nhưng do gặp bất trắc không chấp hành được nữa có thể tạm “treo” hình phạt. Nhưng trường hợp có điều kiện thi hành mà chây ỳ không chấp hành, có thể trừ phần đã chấp hành, phần tiền còn lại rơi vào khung nào sẽ đề nghị Tòa án chuyển đổi. Nhìn chung, việc tiến hành hình phạt sẽ trao quyền cho thẩm phán, cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Riêng đối với việc nộp tiền để được giảm hình phạt tù, việc này sẽ không được quy định trong Dự thảo vì không phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam.

Được biết, ngoài 2 nội dung nói trên, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này có một số nội dung mới còn nhiều thảo luận như bổ sung thêm một số tội danh trong các lĩnh vực kinh tế chứng khoán, bảo hiểm, thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể khác…            

Từ ngày 1/10/2014 đến ngày 30/9/2015, công tác thi hành án dân sự đã giải quyết xong hơn 533.000 việc, đạt tỷ lệ 89%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số việc chuyển kỳ sau là hơn 257.000 việc, giảm so với cùng kỳ năm trước. Về tiền, đã giải quyết được hơn 42.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76%, tăng hơn 3.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục