Khi nhân viên phải làm sai theo lệnh sếp

(ĐTCK) Để tránh gặp tai ương từ những mệnh lệnh sai của sếp, bạn phải ghi âm cuộc gọi, gửi tin nhắn, e-mail xác nhận tất cả các bước tiến hành theo lệnh; cố gắng liên lạc và ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn với khách hàng...
Khi nhân viên phải làm sai theo lệnh sếp

Lệnh sếp sai, tai ương ai gánh?

Không làm theo lệnh sếp thì mất việc. Nhưng liệu công việc đó có đáng để đánh đổi sự tự do trong cuộc sống?

“A lô, chị đây Nhung ơi! Chị có một chị bạn muốn rút tiền tiết kiệm và nộp tiền vào tài khoản người khác. Hôm nay chị ấy bận không qua ngân hàng mình được, nhưng cần xử lý các giao dịch gấp. Chị gửi em thông tin thẻ tiết kiệm của chị ấy và tài khoản chuyển tiền đến, em xử lý luôn trong ngày hôm nay nhé…”.

Đó là nội dung cuộc điện thoại mà giao dịch viên Nhung nhận được từ sếp của mình. Đúng hay sai pháp luật, nếu Nhung làm theo chỉ đạo của sếp?

Đương nhiên không thể đúng! Bởi lẽ mọi thao tác nghiệp vụ liên quan đến huy động vốn và dịch vụ thanh toán đều phải thực hiện theo những quy trình của ngân hàng. Các quy trình nghiệp vụ của ngân hàng lại được thực hiện theo những quy định pháp luật.

Quy chế về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định: Một khoản tiền gửi muốn được rút ra khỏi ngân hàng phải do chính khách hàng hoặc người được ủy quyền ký chứng từ và thực hiện. Việc rút tiền gửi tiết kiệm đương nhiên cần đến thẻ tiết kiệm. Đồng thời, cũng theo quy định pháp luật và quy trình của mọi ngân hàng, giao dịch viên phải trực tiếp nhận dạng khách hàng trên cơ sở các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu,...

Như vậy, nếu làm theo lệnh sếp, hành động của Nhung sẽ trái pháp luật. Nếu Nhung không làm theo lệnh thì sẽ trái ý sếp.

Tôi hiểu rằng, trong thực tiễn hành nghề giao dịch viên, việc làm tắt quy trình là chuyện diễn ra phổ biến. Một khách hàng VIP nhờ trích tài khoản mở thẻ tiết kiệm vắng mặt. Một khách hàng quen thuộc nhờ chuyển khoản để thanh toán giao dịch kịp giờ,  hoàn thiện chứng từ sau. Chiều ý khách hàng là một điểm đặc trưng cho mọi nghề dịch vụ. Đối với nghề giao dịch viên không phải là ngoại lệ. Cho nên, khi khách hàng thân quen có các yêu cầu nêu trên, các giao dịch viên thường phục vụ hết khả năng của mình.

Quay lại với cuộc điện thoại từ sếp của Nhung, bạn sẽ hành xử thế nào? Nếu giao dịch rút tiền tiết kiệm, nộp tiền tài khoản đó chỉ có giá trị dưới mười triệu đồng, tôi tin bạn sẽ không do dự và làm ngay theo chỉ đạo của sếp. Nhưng nếu đó là giao dịch có giá trị đến mười tỷ đồng, hẳn bạn sẽ rất cân nhắc.

Trong trường hợp này có hai loại rủi ro mà chúng ta có thể đối mặt. Rủi ro nghề nghiệp và rủi ro pháp lý. Làm trái ý sếp, có nghĩa chúng ta tự đặt một trở ngại cho con đường thăng tiến nghề nghiệp của mình. Thậm chí, điều này còn dẫn đến khả năng mất việc, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng liên tục cắt giảm định biên nhân sự.

Đúng lệnh sếp mà trái pháp luật, thì rủi ro pháp lý và gánh chịu hậu quả là điều khó tránh khỏi. Diễn biến xấu nhất, khách hàng phủ nhận hoàn tất chứng từ giao dịch và khiếu tố vụ việc. Họ cho rằng mình không có nhu cầu rút tiền gửi và cũng không biết tiền tiết kiệm của mình đã bị rút khỏi ngân hàng.

Trong trường hợp này, hậu quả pháp lý sẽ ập đến với giao dịch viên. Hành vi sai phạm đã rõ ràng, trách nhiệm pháp lý có thể đo đếm bằng số tiền thiệt hại của khách hàng. Tối thiểu là việc đền bù tiền cho ngân hàng, cho khách hàng. Nếu bị quy kết trách nhiệm hình sự, thiệt hại trên vài trăm triệu có thể bị quy đổi sang án tù tội trên chục năm.

Ứng xử thế nào khi lệnh sếp sai?  

Trước tiên, ai cũng hiểu rằng tuân thủ đúng quy định, quy trình là một nguyên tắc cần thiết trong mọi trường hợp tác nghiệp của giao dịch viên.  Những vị sếp được bố trí vào vị trí của họ với bổn phận bảo đảm tác nghiệp của bạn đúng quy định, quy trình.

Họ thường thực thi nhiệm vụ của họ bằng chỉ dẫn, mệnh lệnh. Những mệnh lệnh, chỉ dẫn đúng luật sẽ khiến bạn yên tâm triển khai công việc và giúp bạn vững vàng hơn về mặt nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi sếp truyền đạt một mệnh lệnh trái pháp luật, bạn có thể phải nghĩ đến việc lựa chọn một trong hai thứ rủi ro trên.

Bất đắc dĩ chấp nhận rủi ro pháp lý và làm sai theo lệnh sếp, hãy chú ý đến những yếu tố sau, chúng sẽ giúp bạn giảm nhẹ hoặc có thể thoát khỏi một hậu quả pháp lý trong tương lai:

Bạn cần tạo lập những bằng chứng xác thực và lưu lại như chứng cứ về chỉ đạo của sếp. Một cuộc điện thoại của bạn cho sếp để hỏi kỹ lại thông tin về tên khách. Một tin nhắn SMS hoặc e-mail của bạn gửi cho sếp báo cáo về các công việc đã thực hiện. Những chỉ dẫn bổ sung, xác nhận của sếp về mệnh lệnh đã chỉ đạo.

Tất cả phải được ghi âm, lưu giữ và sẽ trở thành chứng cứ quan trọng sau này giúp bạn xác định rõ vị trí, vai trò của bạn trong vụ việc. Bạn không phải là người chủ trương quyết định chính cho hành động làm sai dẫn đến thiệt hại.

Bạn có thể rất tin tưởng vào sếp, thậm chí rất kính nể sếp. Tuy nhiên, khi một người đặt bạn vào khả năng có thể gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng, thì bạn cần phải đề phòng trước người đó, dù cho họ có là sếp của bạn. 

Nếu may mắn có thể liên lạc được với khách hàng, bạn cũng cần tiến hành tạo lập những bằng chứng, chứng cứ theo phương pháp tương tự. Chúng sẽ giúp bạn chứng minh ý chí giao dịch của khách hàng và từ đó kiểm soát tốt nhất rủi ro pháp lý.

Các chứng từ, tài liệu thủ tục của giao dịch cần được bạn hoàn thiện trong thời gian sớm nhất có thể. Việc nhanh chóng hoàn tất chứng từ, tài liệu của hồ sơ giao dịch, giúp bạn sớm khắc phục tình trạng không đúng luật của giao dịch. Không ít vụ việc, giao dịch viên ngân hàng chiều ý làm tắt quy trình theo yêu cầu của khách hàng.

Sau đó, do thiếu sự quan tâm đúng mức về rủi ro pháp lý, giao dịch viên đã quên hoàn thiện hồ sơ. Đến khi khách hàng không trung thực, bắt vạ đòi tiền thì lúc này việc hoàn tất chứng từ giao dịch cho đúng quy trình là bất khả thi. Ngoài ra, việc nhanh chóng hoàn tất chứng từ, tài liệu còn giúp bạn xác minh được thực chất của giao dịch về phía khách hàng, qua đó kiểm soát những diễn biến xấu của giao dịch.

Bạn cần báo cáo vượt cấp đến bộ phận có trách nhiệm của ngân hàng nếu phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ, vượt khả năng kiểm soát vụ việc của bạn. Giả sử trong trường hợp của giao dịch viên Nhung. Sau khi đã làm theo lệnh sếp, Nhung mới được biết khách hàng hoàn toàn không có ý định rút tiền tiết kiệm. Trong trường hợp như vậy, bất cứ giao dịch viên nào cũng nên báo cáo ngay người có trách nhiệm của ngân hàng, thậm chí ở cấp lãnh đạo cao nhất về sự việc.

Bạn báo cáo như vậy vì nhận ra sự việc diễn biến đến hậu quả xấu, vượt tầm kiểm soát của bạn. Nếu như bạn làm sai, nhưng đã có sự sửa sai thì trách nhiệm của bạn sẽ được giảm nhẹ. Nếu thông tin báo cáo của bạn giúp ngân hàng khắc phục sớm được hậu quả, thì nhiều khả năng bạn còn được miễn trách nhiệm. Trong một vụ việc hình sự, vai trò vị trí của từng cá thể được phân hóa rõ ràng. Những người có vai trò thứ yếu, mờ nhạt, lại lập công chuộc tội thường được xem xét trách nhiệm ở mức độ nhẹ nhất có thể.

Sau cùng, nếu ngay từ đầu đã nhận ra sự phạm pháp nghiêm trọng và hậu quả trách nhiệm pháp lý hình sự liên đới, bạn tuyệt đối không nên làm theo lệnh sếp. Những giao dịch viên đang phải gánh chịu những án tù oan nghiệt từ sai lầm “nghe lời sếp” chắc sẽ muốn nói với các đồng nghiệp của mình rằng: Nếu được làm lại, trăm ngàn lần họ sẽ chấp nhận rủi ro mất việc, thay vì mất đi tự do trong cuộc sống của mình.

Để tránh gặp tai ương từ những mệnh lệnh sai của sếp, bạn phải:

- Ghi âm cuộc gọi, gửi tin nhắn, e-mail xác nhận tất cả các bước tiến hành theo lệnh.

- Cố gắng liên lạc và ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn với khách hàng.

- Lưu toàn bộ các ghi âm, tin nhắn, e-mail làm chứng cứ.

- Báo cáo vượt cấp khi nhận thấy có khả năng hậu quả xấu.

- Tích cực tham gia vào việc khắc phục sớm hậu quả.

Luật sư Trần Minh Hải Giám đốc Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục