Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài: Nhìn từ thực tiễn

Tại Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN), khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và “DN có vốn đầu tư nước ngoài” (FDI) là những khái niệm gây nhiều tranh cãi nhất. Khái niệm này cũng đã từng được đề cập tại Luật Đất đai, Luật Chứng khoán.
Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài: Nhìn từ thực tiễn

Câu hỏi đặt ra là: Khái niệm này có nhất thiết phải khó hiểu như vậy không? Có phản ánh tâm lý lo ngại bị nhà đầu tư nước ngoài thôn tính, hay bảo hộ DN trong nước. Cả hai lý do này nghe chừng có lý đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, song thực tế lại không cần thiết.

Theo dự thảo thứ 10 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm DN nước ngoài và DN trong nước có tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trên 49%, song ở một điều khoản khác thì lại quy định rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện đầu tư tại Việt Nam”. 

Bên cạnh đó, nhiều luật chuyên ngành, ví dụ Luật Dược quy định, phân phối dược là lĩnh vực chưa cam kết, vì vậy có địa phương cho rằng, chỉ cần 1% vốn đầu tư nước ngoài vào DN, thì DN đó đã bị coi như DN có vốn đầu tư nước ngoài và bị từ chối mở rộng hoạt động, hay chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. 

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp, thì nhà đầu tư nước ngoài là DN có số vốn của nước ngoài nắm trên 50% (mặc dù không rõ là nắm trực tiếp, hay nắm gián tiếp thông qua một DN có vốn đầu tư nước ngoài). Theo Quyết định 121 về nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thì tổ chức nước ngoài phải là tổ chức nắm đến 100% vốn nước ngoài. Tại một số hội thảo góp ý cho Luật Doanh nghiệp, có quan điểm cho rằng, tỷ lệ góp vốn có thể giảm xuống 10% để coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một DN trong nước trở thành “nhà đầu tư nước ngoài”?

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, DN đó sẽ phải xin giấy chứng nhận đầu tư. Điều này đồng nghĩa với một loạt giải trình, chi phí và thời gian tăng đáng kể. 

Thứ hai, nhiều ngành nghề “nhạy cảm” do chưa có quy định thực hiện (chẳng hạn như nhập khẩu dược phẩm), hay quy định không rõ ràng (quy định ENT đối với doanh nghiệp bán lẻ), hạn chế (kinh doanh nhà hàng, một số ngành nghề kinh doanh bất động sản) hay chưa cam kết  (phân phối thuốc) có thể bị loại khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Nói tóm lại, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được đối xử bình đẳng như với DN trong nước. Vì sao vậy?  Có hai quan điểm thường được dùng để trả lời cho câu hỏi trên.

Quan điểm thứ nhất là sự lo ngại DN FDI sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước, trong khi, các DN FDI chiếm tới 67% kim ngạch xuất khẩu mà chỉ đóng 14% cho ngân sách từ thuế.

Thật ra con số này không hề nhỏ. Tại Hoa Kỳ, đóng góp từ thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 10-15% tổng ngân sách. Hơn nữa, giải pháp cho việc chống thất thu thuế không phải là việc hạn chế hoạt động của DN FDI, mà là tăng cường các biện pháp chống chuyển giá, bao gồm cả việc ấn định nghĩa vụ thuế cho DN FDI.

Hơn nữa, hãy tưởng tượng, nếu không có các DN FDI, thì nhà nước có thu được thêm đồng thuế nào không? Có họ, ít nhất, chúng ta cũng giải quyết được việc làm cho hơn 2 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp. Tạo ra công ăn việc làm không phải là nghĩa vụ hàng đầu của nhà nước hay sao? 

Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, do bị DN FDI tranh thị phần nên các DN trong nước đang “thua trên sân nhà”. Thậm chí, có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh - kinh tế. Tuy nhiên, thị trường sẽ tự chọn lọc ra nhà đầu tư nào có hiệu quả nhất – thông qua việc ai trả giá cao nhất.

Đối với DN trong nước, để hỗ trợ, Nhà nước hãy ban hành chính sách ưu đãi thuế tương đương, hay hơn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không nên hạn chế lĩnh vực hoạt động của DN FDI.

Đơn cử trong lĩnh vực dược hay bán lẻ. Sự tham gia của DN FDI sẽ làm giá bán giảm (do cạnh tranh), người tiêu dùng được lợi.  DN trong nước nếu không cạnh tranh trực diện được thì sẽ cạnh tranh ở phân khúc khác, hoặc hợp tác liên doanh với DN FDI (nếu không phải vì thế mà họ trở thành nhà đầu tư nước ngoài).

Về lâu dài, cho dù là DN trong nước, hay nước ngoài, thì các DN nhỏ sẽ bị thâu tóm hoặc đóng cửa, các DN lớn sẽ ngày càng phát triển. Đây là xu hướng chung và mang tính tất yếu trên toàn thế giới, nên Nhà nước không nên cố gắng can thiệp vào quá trình này. Lối thoát duy nhất cho DN trong nước là lớn mạnh lên, thông qua nội lực và chính sách đầu tư của Nhà nước, chứ không phải đóng cửa với DN FDI. Thực tế cho thấy, các DN trong nước làm ăn hiệu quả tốt như Vinamilk, Saigon Co.op, PetroVietnam… vẫn có thể mua lại DN FDI. Vậy thì, tại sao phải lo ngại cho DN trong nước? 

(Còn tiếp)

Lê Nết
Công ty Luật LNT & Partners/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục