Giám đốc doanh nghiệp vượt quyền ký bảo lãnh, ngân hàng cho vay lãnh đủ

(ĐTCK) Mặc dù bản án hình sự đã có hiệu lực, song các bên vẫn tranh cãi về trách nhiệm dân sự liên quan đến bất động sản số 10 Âu Cơ (TP.HCM), đặc biệt là yêu cầu thực hiện hợp đồng bảo lãnh.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ký bảo lãnh vượt thẩm quyền

Vụ án xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương đã được đưa ra xét xử hình sự, song các bên vẫn tranh cãi về trách nhiệm dân sự. Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xem xét đơn kháng cáo của ngân hàng.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Dệt kim Đông Phương là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Lê Thành Công là giám đốc (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex). Năm 2003, công ty được giao quản lý, khai thác, sử dụng khu đất số 10 Âu Cơ, diện tích 23.328 m2. Năm 2006, công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tạm thời).

Ngày 29/10/2017, mặc dù không có thẩm quyền ký bảo lãnh vay vốn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là tạm thời, song Lê Thành Công đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng bất động sản trên; bảo lãnh cho Công ty Tấn Phát (công ty con của Dương Thanh Cường) vay tiền tại Agribank chi nhánh 6. Ngân hàng đã giải ngân số tiền 174 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2008, Dương Thanh Cường chỉ đạo hỏi mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất trên. Công ty Đông Phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang đất ở để thực hiện Dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và được giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đồng ý chuyển đổi.

Ngày 9/5/2008, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Lê Thành Công không báo cáo Vinatex, không định giá và bán đấu giá, không thông báo cho chi nhánh 6. Bị cáo tự ý mang sổ đỏ khu đất trên góp vốn vào Công ty Đông Phương Pháp (công ty con của Dương Thanh Cường).

Mặc dù đang thực hiện bảo lãnh, Lê Thành Công tiếp tục ký biên bản họp hội đồng thành viên đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang Ngân hàng Phương Nam thế chấp, gán nợ, tạo điều kiện cho “siêu lừa” Dương Thanh Cường thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt 170 tỷ đồng.

Với hành vi trên, năm 2016, tòa án đã xử phạt Dương Thanh Cường mức án chung thân; Lê Thành Công 25 năm tù về các tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Giữa năm 2019, tòa án tiếp tục xử phạt bị cáo Lê Thành Công mức án 16 năm tù về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ do ký bảo lãnh vượt thẩm quyền và tự ý mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp vốn, gây thiệt hại cho Vinatex số tiền 33,8 tỷ đồng.

Ngân hàng mất quyền quản lý tài sản đảm bảo

Sau phiên tòa trên, Agribank kháng cáo vì cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nguồn tiền từ ngân hàng. Yêu cầu xem xét trách nhiệm bảo lãnh của Công ty Đông Phương.

Tòa án cho rằng, sau khi rút 170 tỷ đồng, Dương Thanh Cường đã chỉ đạo mượn lại bộ hồ sơ này thế chấp, gán nợ tại Ngân hàng Phương Nam. Agribank chi nhánh 6 đã mất quyền quản lý tài sản đảm bảo. Chính vì hành vi này Dương Thanh Cường đã bị truy tố xét xử về Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tòa tuyên buộc bị cáo phải trả lại cho chi nhánh 6 số tiền 1.125 tỷ đồng, gồm cả 170 tỷ đồng có liên quan đến Công ty Phương Đông. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Còn số tiền 174 tỷ đồng, Công ty Tấn Phát đã nộp vào tài khoản của Vinatex. Bộ Tài chính đã cấp cho Vinatex, phân bổ cho Công ty Phương Đông sử dụng vào việc thực hiện dự án di dời và đầu tư chiều sâu. Vinatex không biết số tiền trên do bị cáo Cường chiếm đoạt.

Còn quyền sử dụng đất trên hiện tại đã được đăng bộ từ Công ty Phương Đông sang Công ty Đông Phương Phát. Dự án đã bàn giao cho dân cư sinh sống từ năm 2017 với tổng số 1.136 căn hộ, nên không thể kê biên như là vật chứng vụ án hình sự được. Do đó tòa không chấp nhận kháng cáo của ngân hàng.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục