FID tăng vốn ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư...?

(ĐTCK) Một cổ đông KTB đã liên hệ cung cấp thông tin cho Đầu tư Chứng khoán về nguy cơ mất trắng số vốn đầu tư vào cổ phiếu KTB. Việc tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy giữa các công ty như MTM, KTB, FID có những giao dịch đáng ngờ.

Hàng trăm tỷ đồng hóa đơn khống tại MTM

Chị Thủy, một cổ đông CTCP Khoáng sản Tây Bắc (KTB) phản ánh, hiện cổ đông không thể tìm thấy doanh nghiêp này dù đây là công ty đã từng niêm yết trên HOSE và giao dịch trên UPCoM.

Do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin, năm 2015, cổ phiếu của KTB rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặt biệt, bị tạm ngừng giao dịch và sau đó là hủy niêm yết. 

Sau đó, KTB chuyển sang giao dịch trên UPCoM vào tháng 3/2016. 
Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu KTB trên UPCoM vào 13/04/2016.
Nguyên nhân được đưa ra là HNX nhận thấy việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu KTB là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sau khi được UBCKNN chấp thuận, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị tạm ngừng theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 9 quy chế đăng ký giao dịch.
FID tăng vốn ảo để  lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư...? ảnh 1

 CTCP khoáng sản Tây Bắc (KTB) chuyển sang giao dịch trên UPCoM vào tháng 3/2016 (ảnh Tri thức trẻ)

Không chỉ chị Thủy, nhiều cổ đông KTB lo ngại về nguy cơ mất trắng số vốn đầu tư.

Khi tìm hiểu thông tin, Đầu tư Chứng khoán được biết, KTB có nhiều giao dịch mua bán khống với CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM).

Nói thêm một chút về MTM, ngày 19/9/2016, Công ty này đã thông báo Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công An) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM để phục vụ điều tra.

Trong một động thái mới nhất của MTM là vào ngày 13/1, Đầu tư Chứng khoán cũng nhận được phản ánh từ cổ đông của MTM cho biết, Công ty đã có đơn thư gửi Phòng An ninh Tài chính, tiền tệ và đầu tư - Công an Hà Nội và UBCK Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng cục thuế - Bộ Tài chính đề nghị điều tra hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tăng vốn ảo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư tại CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) và các đơn vị liên quan. 

Thời điểm xảy ra là trước khi Chủ tịch HĐQT MTM bị bắt.

Theo phản ánh, trong hồ sơ có tại MTM, trong năm 2014 và 2015, MTM mua 26 hóa đơn khống của 3 đơn vị là FID, KTB và CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK) với tổng giá trị là 143,5 tỷ đồng.

Cụ thể, tại MTM có 16 hóa đơn với FID với tổng giá trị 85 tỷ đồng trong thời gian từ ngày 8/10/2014 đến 4/6/2015; KTB có 3 hóa đơn giá trị 21,7 tỷ đồng...

Khi MTM yêu cầu đối chiếu xác nhận công nợ thì nhận trả lời từ FID và các đơn vị liên quan với cùng một lý do là chỉ mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, đầu ra và không có hàng hóa kèm theo.

Sau đó, MTM xuất 25 hóa đơn đầu ra cho 5 công ty với tổng giá trị hóa đơn sau thuế là hơn 130 tỷ đồng gồm CTCP khoáng sản và luyện kim màu (KSK), CTCP khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP luyện kim Phú Thịnh và CTCP luyện kim Đông Bắc (chưa lên sàn).

Các chứng từ chuyển tiền, thu tiền và kết quả đối chiếu công nợ giữa các công ty thì MTM đã thanh toán quá số tiền 29,8 tỷ đồng cho FID.

Tăng vốn ảo để chiếm đoạt tiền?

Trong đơn thư, MTM cho rằng, việc FID xuất ra 16 hóa đơn khống (trị giá 85 tỷ đồng) và việc MTM thanh toán 114,8 tỷ đồng (vượt quá 29,8 tỷ đồng) thực chất là việc góp vốn rồi rút ra.

Từ đó, Ban lãnh đạo FID có được cổ phiếu tại MTM và FID để giao dịch bán ra nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư. Tiếp tục với kịch bản là ban lãnh đạo FID sẽ rút vốn điều lệ của FID ra để lừa đảo nhà đầu tư trên bằng cách chuyển tiền của FID đi góp vốn khống, mua hóa đơn đầu vào khống hoặc đầu tư vào các dự án khống theo các Nghị quyết của HĐQT về thay đổi mục đích sử dụng vốn.

Ngoài ra, qua xác minh các khoản tiền mặt của MTM bị rút ra trong năm 2013-2014, Ban lãnh đạo của MTM (ông Lê Văn Cương - ông Vũ Đại Dương) có liên quan đến ban lãnh đạo của FID (ông Bùi Đình Như - ông Đặng Kim Khoa) trong việc rút ra toàn bộ tiền mặt của MTM số tiền hơn 119 tỷ đồng để Ban lãnh đạo FID có được số tiền tăng vốn điều lệ tại FID từ 10 tỷ lên 100 tỷ đồng (tức tăng lên 90 tỷ đồng). 

Việc FID xuất 16 hóa đơn khống cho MTM nhằm mục đích hai bên cấu kết để lừa chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thông qua việc bán cổ phiếu MTM và FID.

Các đơn vị liên quan sử dụng hóa đơn GTGT khống nhằm tạo dòng tiền chạy qua lại cho doanh thu ảo, chi phí ảo để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng đồng thời có nguồn tiền tăng vốn điều lệ.

Đơn thư cũng phản ánh, ông Đặng Kim Khoa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của FID vừa là thành viên HĐQT của KTB. Quá trình tăng vốn tại các đơn vị như KSS,KTB, BAM, KHB, KSK, PTK, KHL, MTM và FID đều có tên của ông Đặng Kim Khoa trong vai trò là cổ đông góp vốn.

Hiện tại, cơ quan điều tra khởi tố vụ án xảy ra tại MTM và KSS. Do đó, MTM đề nghị cơ quan chức năng điều tra hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tăng vốn ảo để  lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư trên TTCK tại FID và các đơn vị liên quan khác với FID như KTB, KSK, BAM, PTK, KHL, Công ty cổ phần luyện kim Đông Bắc.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc. 

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục