Đừng để quyền tự do kinh doanh bị xiêu vẹo

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn Luật, ngôi nhà chung cho cộng đồng DN đang dần trở nên xiêu vẹo, khiến cho công đồng DN không khỏi lo lắng.
Đừng để quyền tự do kinh doanh bị xiêu vẹo

> Bài 2: Cổ đông nhỏ và những điều luật bất khả thi

> Bài 1: Thành lập DN: Đăng ký, hay là “xin”?

> Bài 3: Cần sửa “tỷ lệ vàng” trong quản trị CTCP

Có thể ví von Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật DN) như một ngôi nhà chung cho cộng đồng DN. Ở đó, các DN được yên ổn hình thành, thiết lập cơ cấu tổ chức, đi vào hoạt động và phát triển nhờ vào hệ thống tường bao là các nguyên tắc, quy định quản lý kinh doanh.

Ngôi nhà chung này cũng nâng đỡ cộng đồng DN phát triển dựa trên một nền tảng chủ yếu của mình, đó là quyền tự do kinh doanh. Vậy nhưng, ngôi nhà đó đang dần trở nên xiêu vẹo, khiến cho cộng đồng DN không khỏi lo lắng. 

Từ những mảng tường quy định bị phá vỡ

Luật DN khuyến khích sự hình thành, phát triển của các DN trong nền kinh tế. Sau hơn 20 năm mở cửa, giải phóng sức bật cho nền kinh tế, thành quả mà nền kinh tế Việt Nam có thể ghi nhận là sự có mặt của khối DN thuần Việt chiếm lĩnh được rất nhiều lĩnh vực kinh doanh và thị phần. Luật DN đã góp một phần giá trị vào thành quả đó, thông qua việc tạo nên một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng cho DN. Tuy nhiên, hành lang pháp lý này dường như ngày càng chật hẹp, bởi những văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bởi sự vận dụng tùy tiện của một bộ phận cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh và bởi sự hướng dẫn trái khoáy của một số hệ thống pháp luật chuyên ngành, mà những trường hợp nêu dưới đây chỉ là một phần nhỏ tiêu biểu của những vấn đề bất cập đó.

Luật DN cho phép DN được tự do lựa chọn lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ để kinh doanh, ngoại trừ những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Nếu theo đúng tinh thần của Luật, bất kỳ ai có ý tưởng kinh doanh độc đáo mà không thuộc loại hình kinh doanh bị cấm, bị hạn chế, thì đều có quyền đăng ký kinh doanh để thực thi ý tưởng này. Đây chính là điểm tựa cho những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, thúc đẩy sức phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế và là ưu điểm nổi bật thường thấy tại những quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Đừng để quyền tự do kinh doanh bị xiêu vẹo ảnh 1

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quyền tự do lựa chọn lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ kinh doanh chỉ gói gọn trong một Nghị định, chỉ có quyền lựa chọn những ngành nghề đã được hình thành câu chữ trong đó, với mã ngành cụ thể. Vậy là, quyền tự do lựa chọn lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ để kinh doanh mà Luật quy định đã mất đi giá trị ban đầu.

Một thực tế khác cũng đang làm xói mòn hành lang pháp lý của Luật DN, đó là sự quy định trái khoáy từ những hệ thống pháp luật chuyên ngành. Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, muốn kinh doanh bất động sản chỉ có thể dưới tư cách của DN hoặc hợp tác xã. Quy định này đã hạ “knock-out” một chủ thể của Luật DN là hộ kinh doanh.

Luật DN có phạm vi bao trùm trong việc quy định về quyền kinh doanh cho các DN và bên cạnh đó là cả hộ kinh doanh. Theo Luật DN, thì các chủ thể này có quyền tự do kinh doanh mọi lĩnh vực không thuộc phạm vi Luật cấm, hạn chế. Quy định của hai luật ngược nhau, nhưng không thể phủ nhận trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều cá nhân, hộ kinh doanh làm giàu từ hoạt động cho thuê nhà, kinh doanh bất động sản. Vậy giá trị của hai luật này còn hay mất?

DN sau khi ra đời thì tất yếu đều hướng đến sự phát triển, lớn mạnh về quy mô và vốn. Do vậy, Luật DN cho DN quyền tự do quyết định vốn điều lệ. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán (được sửa đổi, bổ sung) lại quy định quá chặt về vấn đề này, khi đưa ra những quy định cụ thể về việc tăng vốn như việc chào bán cổ phần riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng, các cổ đông bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần (trong đợt phát hành riêng lẻ) trong 1 năm… Nếu như cần tăng vốn liên tục theo chu kỳ kinh doanh định sẵn, thì với quy định nêu trên, DN hoặc là phải “nhịn” để tăng vốn, hoặc là phải huy động một nguồn vốn trên mức nhu cầu để lách qua quy định.

Việc thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh hiện nay cũng đang làm hạn chế những chủ trương, nguyên tắc đúng đắn của Luật DN. Trong hoạt động thực thi pháp luật, thì trách nhiệm định hướng, hướng dẫn cho DN hiểu luật và vận dụng đúng luật thuộc về cơ quan và cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh. Bởi tự thân Luật không thể quy định chi tiết đến từng nội dung, từng vấn đề phát sinh. Thực tế đang diễn ra là hành trình ra đời của một DN nhiều khi không chỉ phụ thuộc vào Luật quy định thế nào, mà phụ thuộc vào cách hiểu Luật và sự chấp thuận của một chuyên viên tiếp nhận hồ sơ.

Cơ chế đăng ký thành lập DN dần trở thành cơ chế “xin - cho thành lập”, do việc quyết định phụ thuộc vào một bộ phận cán bộ quản lý. Có vô số lý do để trả lại một hồ sơ đăng ký thành lập mới một DN, nhưng rất nhiều lý do hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh như cái tên DN có vẻ không chuẩn, không phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh, cách lập biên bản họp sáng lập viên chưa đúng mẫu... Chính những “điểm mù” trong cơ chế này gây nên sự lãng phí về thời gian, tiền bạc cho DN và làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực, khiến nhiều nguyên tắc quy định của Luật trở nên không có giá trị. Vậy là trong nhiều trường hợp, DN đã không được bảo vệ bởi “ngôi nhà” Luật DN, khi mà những hành lang pháp lý thông thoáng của ngôi nhà này thường xuyên bị phá vỡ bởi những vấn đề bất cập nêu trên.

 

Đến nền tảng bị lung lay

Trước Luật DN 2005 là Luật DN 1999, chính thức có hiệu lực áp dụng từ 1/1/2000, đánh dấu bước chuyển đổi về chất quyền tự do kinh doanh cho mọi loại hình DN dân doanh. Chế độ đăng ký kinh doanh đã được thiết lập thay cho chế xin phép thành lập, xin phép kinh doanh.

Vòng tròn ở trên (xem hình) là sự khái quát rất nhiều quy định của pháp luật liên quan đến những quyền năng cho phép chủ đầu tư được tự lựa chọn loại hình hoạt động của DN, được tự chọn lĩnh vực kinh doanh, được tự đặt tên DN để khai sinh ra một DN theo đúng ý tưởng của mình. Nhìn vào vòng tròn ở trên, chúng ta thấy rằng, ngoại trừ vòng tròn trong cùng là những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thì Luật chỉ cho phép DN được lựa chọn kinh doanh nếu như được Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể. Bởi đây là những nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng đến các yếu tố con người, yếu tố quốc phòng như vũ khí, hóa chất độc hại…, cần phải kiểm soát chặt chẽ. Vượt qua vòng tròn này, DN chỉ bị loại trừ bởi vòng tròn bên ngoài là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đó là những ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; những ngành nghề kinh doanh phải có giấy phép như ngân hàng, kinh doanh vàng, ngoại tệ; những ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ như luật, xây dựng và những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về phòng chống cháy nổ như khách sạn, nhà hàng. Vượt qua những lĩnh vực cấm, hạn chế này là phía không gian vô tận bên ngoài, tượng trưng cho bầu trời tự do kinh doanh và cũng là nền tảng của “ngôi nhà” Luật DN.

Để bảo vệ quyền tự do kinh doanh này, sau khi Luật DN 1999 đã xóa đi giấy phép “to”, Luật DN 2005 kế thừa đã ghi nhận nguyên tắc xóa đi giấy phép “con” tại khoản 5, Điều 7 với nội dung: “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Với quy định này, Luật DN hạn chế tình trạng các bộ, ngành đưa ra những loại giấy phép chuyên ngành, làm mất đi quyền tự do kinh doanh của DN.

Đặt ra quy định này, những soạn giả Luật DN có lẽ chưa ngờ tới tình hình như hiện nay, khi mà chỉ hơn 7 năm sau khi Luật được ban hành, các bộ, ngành đã hợp thức hóa lên tầm Luật định cho họ thẩm quyền kiểm soát DN bằng những giấy phép chuyên ngành. Vậy là vô số giấy phép ra đời, bên ngành chứng khoán có giấy phép hoạt động môi giới, hoạt động lưu ký, hoạt động bảo lãnh phát hành; bên ngành bảo hiểm có giấy phép thành lập và hoạt động DN bảo hiểm; bên ngành ngân hàng có giấy phép hoạt động ngoại tệ, giấy phép mua bán trái phiếu và thậm chí giấy phép cho cả hoạt động bấy lâu nay thuộc về nghiệp vụ cơ bản mà ngân hàng vẫn đang tiến hành như giấy phép ủy thác cho vay…

Chính sự phát tác ngày càng nhiều của số lượng giấy phép khiến cho hiện nay không chỉ có một, mà có tới nhiều đầu mối quản lý kinh doanh khác nhau và đang kéo lùi hệ thống pháp luật DN về lại những năm 1990, khi mà cơ chế xin phép và cho phép trong kinh doanh là cơ chế số một. Điều này làm cho nền tảng tự do kinh doanh như nền tảng của một căn nhà đang bị sụt lở.

Để tránh cho ngôi nhà chung của cộng đồng DN khỏi tình trạng xiêu vẹo, thì nền tảng tự do kinh doanh cần được củng cố, những hành lang pháp lý cần được tôn dựng. Điều này đòi hỏi phải có sự thực hiện đồng bộ giữa Luật DN cùng với các luật chuyên ngành và gắn với sự thực thi quản lý có tâm của những cán bộ chuyên ngành quản lý đăng ký kinh doanh.

 

Kỳ 5: Cơ quan tố tụng cũng bị vướng

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng (Bank Training)
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng (Bank Training)

Tin cùng chuyên mục