Dự thảo Luật Hòa giải - đối thoại tại tòa án: Cần hợp với thực tiễn

(ĐTCK) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là chế định quan trọng, là sự tiến bộ của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng lại chưa được xem xét tại dự thảo Luật Hòa giải - đối thoại tại tòa án.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Khi khởi kiện, mục đích lớn nhất của đương sự là được pháp luật bảo vệ tài sản và quyền lợi chính đáng.

Theo luật, đương sự sẽ có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thực hiện nghị quyết Hội đồng quản trị…

Và vì tính cấp bách, thẩm phán sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và quyết định này chỉ có tính chất thời điểm.

Ðơn cử, tại vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu dự án The Mask (TP.HCM) mới đây, trong quá trình tố tụng, tòa án đã áp dụng và thay đổi kịp thời các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Năm 2017, khi liên doanh VK Housing xảy ra tranh chấp giữa các bên góp vốn là Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) và Công ty DWS (bên nhận chuyển nhượng vốn từ Công ty P&D, Công ty LVC), đại diện của VK Housing đã thuê Công ty Dịch vụ bảo vệ Hoàng Vương Gia để bảo vệ khu đất, dựng hàng rào, chốt bảo vệ. 

Song song với việc tiến hành các thủ tục khởi kiện, HDTC đã có văn bản đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm giao cho HDTC quản lý khu đất để ngăn ngừa việc đại diện của VK Housing có thể dùng khu đất này để kêu gọi đầu tư vốn nhằm lừa đảo, chiếm dụng vốn.

Ngày 20/12/2017, Tòa án nhân dân TP. HCM ban hành quyết định số 298 nêu rõ: “Trong thời gian chờ
tòa án giải quyết vụ án, HDTC có trách nhiệm tạm quản lý phần đất của dự án”.

Khi đó, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã tổ chức thi hành quyết định trên, nhưng công ty bảo vệ khóa cửa rào không cho vào khu đất.

Do không thể thi hành án, đầu năm 2018, cơ quan này có văn bản thông báo sự việc và đề nghị tòa án bổ sung vào quyết định tên cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ phải giao phần đất trên.

Sau đó, HDTC tiếp tục có văn bản yêu cầu bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngày 23/1/2018, tòa án đã thay đổi quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc các công ty Hoàng Vương Gia, DWS, VK Housing và các cá nhân, tổ chức khác đang ở hoặc chiếm dụng (nếu có) tại khu đất phải rời khỏi để HDTC quản lý.

Ðể không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án đầu tư của các bên liên quan, quyết định của tòa án còn nêu rõ: “Các vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án do các bên thương lượng, thực hiện theo quy định của pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định này”.

Cùng thời gian này, đại diện VK Housing còn yêu cầu Phòng Ðăng ký kinh doanh phục hồi lại nội dung đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2.

HDTC cũng lập tức yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng việc này. Ðến khi vụ việc kết thúc mới đây, tòa án mới quyết định hủy bỏ các biện pháp trên.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là chế định quan trọng, là sự tiến bộ của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, tại Luật Hòa giải - đối thoại tại tòa án đang được Tòa án nhân dân tối cao lấy ý kiến xây dựng, biện pháp này lại chưa được tính đến.

Ðể làm rõ hơn vấn đề, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thành) lấy ví dụ: Ông Nguyễn Văn A đang nợ ông Nguyễn Văn B một khoản tiền là 4 tỷ đồng và có các giấy tờ chứng minh cho việc nợ đó.

Trong quá trình đòi nợ, do hai bên đều không có tiếng nói chung sau nhiều lần bàn bạc, ông A làm đơn khởi kiện gửi lên tòa, nhưng hồ sơ phải chuyển sang trung tâm hòa giải, đối thoại để thực hiện thủ tục hòa giải.

Trong thời gian này, vốn là người am hiểu pháp luật nên ông B đã tiến hành tẩu tán tài sản bằng cách nhờ người thân, họ hàng đứng tên tài sản của mình.

“Trường hợp này, có thể thấy, nếu như phải thực hiện thủ tục hòa giải tại tòa án, ông A sẽ không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm phong tỏa tài sản của ông B (vì đây là một biện pháp áp dụng trong tố tụng), mà điều này lại chưa được dự thảo Luật Hòa giải - đối thoại tại tòa án xem xét đến. Như vậy có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện?”, ông Truyền đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Truyền chia sẻ thêm, theo dự thảo Luật Hòa giải - đối thoại tại tòa án, đương sự phải thực hiện thêm một lần thủ tục hòa giải tại Trung tâm hòa giải tại tòa.

Trong khi đó, ở nhiều vụ việc, thủ tục hòa giải tại cơ sở là thủ tục bắt buộc (tiền tố tụng).

Trường hợp sau khi hòa giải tại Trung tâm hòa giải không thành, tòa án thụ lý vụ án vẫn phải trải qua thủ tục hòa giải trong tố tụng. Sự trùng lặp này khiến vụ án bị kéo dài, gây khó khăn cho đương sự.

“Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, cần hơn 400 ngày để một vụ việc được giải quyết, đó là chưa kể thời gian chậm trễ, vi phạm về thời hạn. Nếu phải tiến hành thêm bước hòa giải như tại dự thảo Luật thì cần thêm từ 30-60 ngày. Do đó, quy định mới cần được xây dựng phù hợp với thực tế hơn, tránh làm đương sự tốn kém thêm thời gian, công sức và chi phí ”, ông Truyền nói.       

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục