Đại án DongA Bank: Bài học từ kinh doanh ngoại hối “lậu”

(ĐTCK) Vụ án xét xử Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank (DAB) và các đồng phạm gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại DongA Bank tiếp tục diễn ra tại Tòa án nhân dân TP.HCM, dự kiến phiên tòa kéo dài đến hết ngày 25/12. 
Đại án DongA Bank: Bài học từ kinh doanh ngoại hối “lậu”

Một trong những vấn đề được chú ý trong cáo trạng là nội dung liên quan tới việc bị cáo Trần Phương Bình kinh doanh ngoại hối “lậu”, dẫn tới thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Ngân hàng.

Có mặt tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DongA Bank cho biết, trong suốt thời gian giam giữ, bị cáo không ngủ được, luôn suy nghĩ vì sao mình lại tin tưởng vào lãnh đạo, vào hệ thống kiểm soát của Ngân hàng DongA Bank… để hôm nay đứng trước vòng lao lý.

Bị cáo Loan bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cáo trạng cho rằng, bị cáo Loan đã kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại 32 tỷ đồng cho DongA Bank; kinh doanh vàng tài khoản trái phép gây thiệt hại 611,7 tỷ đồng; trong đó, bị cáo Bình đã mua 13,9 USD cho Vũ “nhôm” gây thiệt hại 294,6 tỷ đồng liên quan đến Vũ “nhôm” và Nguyễn Thiện Nhân.

Cụ thể, theo quy kết từ cáo trạng, từ năm 2001 đến năm 2005, DongA Bank đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại Ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế. Trần Phương Bình chỉ đạo trực tiếp Phòng kinh doanh DongA Bank thực hiện các giao dịch với UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal).

Các nội dung lệnh Deal thể hiện việc DongA Bank mua của UOB loại ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, phải thanh toán cho đối tác loại tiền gì, số lượng như thế nào. Hoạt động kinh doanh này diễn ra bình thường trong giai đoạn từ năm 2001 - 2003.

Đến giai đoạn 2003 - 2005, việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ theo các lệnh Deal đã đặt nên Trần Phương Bình chỉ đạo Phòng Kinh doanh DongA Bank liên hệ, thỏa thuận với UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán số tiền lỗ này bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ.

Để che giấu cho hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, bị cáo Bình chỉ đạo lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ tiền mặt “khống” từ UOB với tổng số tiền là gần 21.000 USD, nội dung thể hiện là DongA Bank đã rút, nhập ngoại tệ, đưa tiền về kho quỹ.

Ngoài ra, ông Bình còn kinh doanh “lậu” gây thiệt hại cho DongA Bank 48 tỷ đồng (hơn 3 triệu USD), khi kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sỹ).

Trong phi vụ này, DongA Bank đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch bằng USD tại Adamas. Do việc kinh doanh thua lỗ, ngày 31/5/2006, bị cáo Bình đã chỉ đạo nhân viên lập, ký và hạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ mặt từ Banca Adamas với số tiền hơn 3 triệu USD trên tài khoản.

Do việc lập các phiếu thu nhập ngoại tệ “khống” nêu trên làm tăng âm quỹ tiền mặt (ngoại tệ USD) cho ngân quỹ DongA Bank nên bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới cho xuất bán 24.993 lượng vàng tại Kho quỹ Hội sở DAB không có chứng từ và 70 tỷ đồng tiền tại Kho quỹ DongA Bank không có chứng từ, để mua tổng số 23.982.500 USD tại các hiệu vàng ở TP.HCM nhập quỹ ngoại tệ, bù các phiếu nhập khống nói trên.

Đáng lưu ý là loạt kinh doanh ngoại hối này chưa được cấp phép, vì cho đến ngày 10/12/2008, Ngân hàng Nhà nước mới cấp Giấy phép (số 10780/NHNN-CNH) cho phép DongA Bank được thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối trên thị trường nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan bị liên đới, cáo trạng cũng quy kết bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến tham gia chấp thuận chủ trương xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 1.000 tỷ đồng. Dựa vào cáo trạng, DongA Bank tính tổng thiệt hại mà bị cáo Bình phải có trách nhiệm bồi thường là hơn 219 tỷ đồng và hơn 66.000 lượng vàng.

Ngoài ra, do DongA Bank là nhà băng huy động cho vay tiền tệ nên Ngân hàng yêu cầu tính lãi cho các hành vi vi phạm của các bị cáo. Theo đó, lãi về tiền là 1.888 tỷ đồng, lãi về vàng là 6.620 lượng vàng tính tới thời điểm 30/9/2018. Đây là thời điểm DongA Bank nhận quyết định đưa ra vụ án ra xét xử. 

Vi Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục