Cơ quan thuế để mắt tới doanh nghiệp FDI “đột ngột thua lỗ“

Lãnh đạo ngành thuế lưu ý các địa phương tập trung quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp FDI đột ngột thua lỗ sau giai đoạn ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết với quy mô lớn.
Để hạn chế tình trạng chuyển giá, báo lỗ của doanh nghiệp FDI, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất việc khống chế tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. (Ảnh minh hoạ). Để hạn chế tình trạng chuyển giá, báo lỗ của doanh nghiệp FDI, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất việc khống chế tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. (Ảnh minh hoạ).

Tổng cục Thuế vừa có chỉ đạo liên quan đến việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo việc chủ động rà soát, cập nhật và lưu trữ thông tin về ngành nghề kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đảm bảo công tác quản lý thuế theo sát hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành thuế cũng lưu ý các địa phương tập trung quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có giao dịch liên kết có rủi ro cao về thuế như các doanh nghiệp kê khai thua lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp so với ngành hoặc so với kết quả chung của tập đoàn.

Bên cạnh đó là những doanh nghiệp FDI đột ngột thua lỗ sau giai đoạn ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết với quy mô lớn hoặc thường xuyên giao dịch với các bên liên kết tại các nước có thuế suất thấp.

“Lưu ý rà soát và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kê khai thua lỗ bất hợp lý, tập trung chủ yếu vào một số ngành như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất kim loại...”, Tổng cục Thuế cho biết thêm.

Các cục thuế cũng được yêu cầu chủ động rà soát, cập nhật thông tin về ngành nghề kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn và xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp liên kết để phục vụ cho công tác quản lý cũng như công tác thanh, kiểm tra thuế.

Để hạn chế tình trạng chuyển giá, báo lỗ của doanh nghiệp FDI, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất việc khống chế tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Trong một báo cáo trước đó, Bộ Tài chính từng hé lộ thông tin cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Đáng lưu ý, công tác quản lý thu cho thấy vừa qua có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh lỗ trong khi doanh thu luôn tăng trưởng quá các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

“Qua xem báo cáo tài chính cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp phần lớn do chi phí tài chính bao gồm chi phí trả tiền lãi vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm”, Bộ Tài chính cho biết.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI trên cả nước có tổng tài sản hơn 2,2 triệu tỷ đồng (khoảng 105 tỷ USD) chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI cho thấy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; của ngành thương mại là 3,44 lần.

Nếu xét trên chỉ tiêu vốn vay/vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các ngành là 0,57, của ngành thương mại là 1,8 lần.

Theo Dân Trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục