Cơ chế chặt cũng không quản được nhân sự thông đồng

(ĐTCK) Có nhiều vụ việc sai phạm xảy ra trong các doanh nghiệp nhà nước khiến dư luận băn khoăn về cơ chế giám sát của chủ sở hữu tại các doanh nghiệp như trường hợp gửi tiền vào OceanBank nhận lãi ngoài trái pháp luật xảy ra tại Vinashin. Đầu tư Chứng khoán giới thiệu quan điểm của luật sư Hồ Hữu Hoành, Đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.
Cơ chế chặt cũng không quản được nhân sự thông đồng

Cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát đối với với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước khá chặt chẽ, vấn đề là con người thực hiện.

Nhìn chung, với doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp vốn tư nhân hay vốn nhà nước, quyền quyết định chiến lược, kế hoạch hay một hoạt động kinh doanh cụ thể thuộc về chủ sở hữu. Tùy thuộc mỗi doanh nghiệp, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quyền quyết định này sẽ được phân cấp cụ thể mà chúng ta vẫn hay gọi là thẩm quyền quyết định.

Doanh nghiệp nhà nước theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp 100% vốn có nguồn gốc từ Nhà nước, có thể là vốn góp trực tiếp từ ngân sách hoặc vốn góp từ các công ty, đơn vị sự nhà nước, các tổ chức chính trị (ví dụ: Thành ủy, Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc...). Doanh nghiệp nhà nước có thể tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần (các cổ đông đều là doanh nghiệp nhà nước).

Chủ sở hữu sẽ thể hiện việc phân cấp ngay trong điều lệ, quy chế hoạt động. Chẳng hạn, giao dịch, hợp đồng, dự án đến tỷ lệ nhất định giao hội đồng thành viên/hội đồng quản trị công ty quyết định; với tỷ lệ lớn hơn, công ty phải báo cáo xin phép chủ sở hữu. Tùy trường hợp, sau khi công ty báo cáo, chủ sở hữu có thể sẽ phải xin phép cấp cao hơn.

Nếu là dự án đầu tư, theo Luật Ðầu tư, tùy thuộc loại dự án, công ty sẽ phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, có thể là Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương nơi dự án triển khai.

Như vậy, doanh nghiệp nhà nước phải chịu sự chi phối của hai cơ chế quản lý, từ phía chủ sở hữu và từ cơ quan chức năng. Tôi cho rằng, doanh nghiệp nhà nước không thiếu cơ chế quản lý, thực tế, nếu chủ sở hữu là Nhà nước không có sự chấp thuận, chắn chắn doanh nghiệp không thể/không dám thực hiện.

Về cơ chế giám sát, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, mô hình công ty TNHH có kiểm soát viên, công ty cổ phần có ban Kiểm soát. Kiểm soát viên là cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát báo cáo với chủ sở hữu các vấn đề tại doanh nghiệp.

Chưa kể, đối với doanh nghiệp nhà nước, quy chế tài chính đòi hỏi việc giải ngân phải có chữ ký kế toán trưởng. Trước khi kế toán trưởng ký giải ngân thì phải có trách nhiệm xem xét hồ sơ đảm bảo có sự chấp thuận của chủ sở hữu (nếu cần), sự chấp thuận của cơ quan chức năng (nếu cần).

Ngoài ra, định kỳ hàng năm, có thể hàng quý, hàng tháng, hoặc bất cứ khi nào chủ sở hữu yêu cầu, doanh nghiệp nhà nước đều phải có báo cáo về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh... Ít nhất, mỗi năm, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu trước khi thông qua kế hoạch phân bổ lợi nhuận bao gồm quỹ lương, thưởng, chi phí sản xuất cho năm sau, trích lập các quỹ...

Cơ chế giám sát, quản lý dù chặt chẽ đến đâu cũng không thể đảm bảo ngăn chặn sự vi phạm có chủ ý của nhiều người, nhiều vị trí. Khi một hành vi được thực hiện không có sự chấp thuận của chủ sở hữu theo đúng thẩm quyền thì vấn đề trách nhiệm của kế toán trưởng, kiểm soát viên phải được đặt ra. Nếu sai phạm kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện thì ngay cả cơ quan làm đại diện chủ sở hữu cũng phải có trách nhiệm.

Hồ Hữu Hoành - Đoàn Luật sư TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục