Chuyện những vụ “thụt két” trăm tỷ

(ĐTCK) Thời gian gần đây, nhiều vụ cán bộ ngân hàng lợi dụng chức danh, sự tín nhiệm để lừa đảo, chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng, trong đó không ít vụ việc người biển thủ đã bỏ trốn, buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Chuyện những vụ “thụt két” trăm tỷ

Muôn kiểu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Đầu năm nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP.HCM cho biết, đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM đề nghị truy tố Nguyễn Phạm Gia Thọ (sinh năm 1989) và Nguyễn Tường Vi (sinh năm 1989) cùng ngụ tại quận 8, TP. HCM về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Kết quả điều tra cho thấy, Thọ là trưởng phòng quan hệ khách hàng tại Phòng giao dịch Nam Sài Gòn thuộc Ngân hàng ANZ Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, có nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, tư vấn chuyển tiền định cư nước ngoài, tư vấn bán bảo hiểm và đề xuất cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm…

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Thọ dùng thủ đoạn giả chữ ký để đăng ký sử dụng thông tin dịch vụ Internet Banking của một chủ tài khoản mở tại ANZ Việt Nam (người đã nhờ Thọ quản lý giúp tài khoản vì thường xuyên sinh sống ở nước ngoài), từ đó chuyển tiền của khách hàng này đến tài khoản người thân của Thọ, chiếm đoạt 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thọ còn lập giả 12 bộ hồ sơ vay của 9 khách hàng, sau đó yêu cầu ngân hàng chuyển tiền vay vào các tài khoản đồng sở hữu do mình lập giả trước đó để rút ra, chiếm đoạt 88,3 tỷ đồng. Trong số tiền 91,3 tỷ đồng chiếm đoạt, Thọ giao cho Vi (vợ của anh họ Thọ) hơn 77,6 tỷ đồng để tham gia góp vốn kinh doanh; cùng Vi sử dụng gần 12,5 tỷ đồng để mua nhà, xe ô tô; sử dụng cho mục đích cá nhân khoảng 1,2 tỷ đồng. Biết rõ tiền Thọ đưa cho mình là tiền chiếm đoạt của ANZ Việt Nam, nhưng Vi không những không khuyên ngăn Thọ dừng lại, mà còn cung cấp thông tin, chữ ký của người thân để Thọ lập giả hồ sơ vay, thực hiện hành vi phạm tội.

Trước đó, cuối năm 2018, cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại VietABank. Việc khởi tố vụ án hình sự được thực hiện khi cơ quan này nhận được đơn tố giác tội phạm của VietABank và ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm giả mạo hồ sơ vay vốn, thế chấp bằng sổ tiết kiệm để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Theo thông tin ban đầu, đối tượng chính trong vụ án là Thành đã bị bắt tạm giam, còn một nhân viên VietABank có tên là Hương được tại ngoại phục vụ điều tra do đang nuôi con nhỏ.

Theo tường trình của ông Toàn, năm 2017, qua các mối quan hệ xã hội, ông quen Nguyễn Thị Hà Thành (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi tiếp xúc, Thành tự giới thiệu làm liên doanh cho 4 ngân hàng lớn, hiện các ngân hàng này đang thiếu chỉ tiêu huy động vốn nên nhờ ông Toàn hỗ trợ gửi tiền vào các ngân hàng theo hình thức sổ tiết kiệm.

Cũng theo lời của Thành, ngoài khoản lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm, ông Toàn còn nhận được khoản tiền thưởng tương đương... Theo hướng dẫn của Thành, ông Toàn đã làm thủ tục gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng với tổng số tiền 142 tỷ đồng, trong đó tại VietABank là 20 tỷ đồng.

Trên thực tế, Thành cấu kết với nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để bảo lãnh cho một số công ty vay vốn, phong tỏa toàn bộ sổ tiết kiệm của khách hàng này. Trước tình huống đó, ông Toàn đã yêu cầu phía ngân hàng thực hiện giám định chữ ký. Nếu đúng, ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn ngược lại, phía ngân hàng phải có trách nhiệm cấp lại sổ để ông rút tiền.

Vào ngày 28/12/2018, ông Toàn nhận được thông báo “Kết luận giám định” của cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội, trong đó xác định chữ ký trên hợp đồng “Đề nghị vay vốn, kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi số 501-366/18/VAB-HĐCC ngày 5/11/2018 và chữ ký đứng tên trên Giấy đề nghị phong toả, nhập kho, kiêm biên bản giao nhận tài sản đảm bảo” không phải là chữ ký, chữ viết của ông Toàn.

Trường hợp như của ông Toàn không phải là hiếm. Trước đó, hơn 400 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại OceanBank Hải Phòng cũng bị “bốc hơi” do có sự cấu kết của nhân viên ngân hàng. Cụ thể, tháng 9/2017, qua công tác thanh tra - kiểm tra, OceanBank đã phát hiện vi phạm xảy ra tại OceanBank Hải Phòng, khi thông tin trên một số sổ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống.

Theo đó, hơn 400 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại chi nhánh này của 17 khách hàng từ năm 2012 đến năm 2017 đã không được hạch toán vào hệ thống của Ngân hàng. Đã hơn 1 năm trôi qua, vụ mất tiền này đến nay vẫn chưa có hồi kết, trong khi OceanBank trả lời phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Một chuyên gia pháp lý cho biết, Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định rõ “Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật” và Điều 10, Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định "Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm đối với số tiền gửi của khách hàng.

Cũng theo chuyên gia này, các bị cáo trong vụ án mất tiền tại OceanBank chỉ là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Mối quan hệ giữa 20 khách hàng và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi. Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, OceanBank phải có trách nhiệm bồi thường và khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Ngân hàng thanh toán số tiền tiết kiệm thất thoát cho mình.

Còn theo một luật sư, với các vụ việc biển thủ tiền tiết kiệm nói trên, nếu ngân hàng không thanh toán thì khách hàng có thể khởi kiện để yêu cầu ngân hàng trả tiền lãi, tiền gốc và bồi thường thiệt hại.

Trong quá trình khởi kiện, khách hàng có thể yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ngân hàng phải trả cho mình trước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà ngân hàng đang giữ để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Trong trường hợp ngân hàng cố tình đưa vấn đề hình sự vào nhằm kéo dài vụ án, khách hàng có thể yêu cầu tòa án tách phần hình sự để giải quyết sau, bởi việc giải quyết vấn đề hình sự không ảnh hưởng đến vấn đề dân sự. 

Phải trích lập rủi ro hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

Câu chuyện nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiết gửi tiết kiệm của khách hàng rồi trốn ra nước ngoài là một điển hình về biển thủ tiền của ngân hàng trong năm 2018 và tiếp tục "nóng" những tháng đầu năm 2019 khi ảnh hưởng trực tiếp đến Eximbank. Đây cũng không còn là "chuyện lạ" đối với việc quản lý tiền gửi của khách hàng quá lỏng lẻo tại các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, bị cáo Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank TP. HCM, đã "rút ruột" hơn 245 tỷ đồng của khách hàng trong suốt 3 năm mới bị phát hiện. Trước năm 2007, khách hàng Chu Thị Bình đã gửi tiết kiệm tại chi nhánh này.

Do số tiền gửi tại ngân hàng rất lớn, nên bà Bình được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Theo đó, toàn bộ các giao dịch với bà Bình từ trước đến đầu tháng 2/2017 đều do Hưng trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng, cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống core banking của Eximbank.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế, Hưng đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình, rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. 

Bằng thủ đoạn này, Hưng nhiều lần chiếm đoạt tiền của bà Bình gửi tại Ngân hàng trong một thời gian dài. Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình phát hiện số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã "không cánh mà bay" nên khiếu nại Eximbank.

Qua nhiều buổi làm việc, giữa ngân hàng và khách hàng không tìm được tiếng nói chung, vụ việc được trình báo với cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam. Đồng thời, ngày 6/3/2017, Eximbank chủ động gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của Lê Nguyễn Hưng đến cơ quan công an. Bị cáo này đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Chiều 23/11/2018, sau 2 ngày xét xử, Tóa án nhân dân TP. HCM buộc Eximbank phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gốc và lãi theo 3 sổ tiết kiệm với số tiền 245 tỷ đồng cho bà Bình. Như vậy, số lãi phát sinh đến nay cộng với số lãi phạt chậm thanh toán theo tính toán của bà Bình vào khoảng 119 tỷ đồng. Số tiền này nếu không kháng cáo, Eximbank sẽ phải trả cho bà Bình ngay sau khi có bản án sơ thẩm.

Đã có 6 người khác bị buộc tội thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện dẫn tới việc Hưng chiếm đoạt hơn 264 tỷ đồng liên quan đến 13 sổ tiết kiệm của bà Bình. Sau bản án sơ thẩm, Eximbank mới đây đã có đơn kháng cáo. Nhưng ngay lập tức, bà Bình đã rút hết toàn bộ 245 tỷ đồng. Bà Bình cho rằng, việc Eximbank có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm là đi ngược với tinh thần thiện chí trong vụ việc này.

Trước đó không lâu, liên quan đến vụ mất 50 tỷ đồng tại Eximbank Nghệ An, tòa án nhân dân tỉnh này tuyên án chung thân đối với Nguyễn Thị Lam, nguyên cán bộ kiểm ngân Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Eximbank TP. Vinh. Toà buộc bị cáo Lam bồi thường cho Eximbank số tiền hơn 17 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Trong khi đó, Eximbank phải có trách nhiêm trả tiền gửi, tiền lãi cho 6 khách hàng bị Lam chiếm đoạt.

Các vụ mất tiền trên đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Eximbank. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.731 tỷ đồng, nhưng sau trích lập dự phòng chỉ còn 827 tỷ đồng, tương ứng giảm 52%, do đã trích lập trái phiếu VAMC và rủi ro tài chính 904 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tiền gửi, vì khi lập kế hoạch năm 2018, Eximbank chưa có cơ sở pháp lý, tức phán quyết của toà án, để đưa vào kế hoạch chi phí của năm và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung đối với nợ đã bán cho VAMC).

Theo Eximbank, năm 2018, Ngân hàng đã bị ảnh hưởng của sự việc tiền gửi “bốc hơi” dẫn đến sự biến động của nguồn vốn huy động, nên tăng trưởng tín dụng bị kiềm chế, chỉ tăng 2,7% so với năm 2017, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 16%, cho vay bán buôn giảm 9,7%.

Thực tế trên cho thấy, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng - vốn là công việc luôn tiếp xúc với rất nhiều tiền, nên không ít người đã nảy sinh lòng tham, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, để lại hậu quả khôn lường. Nhiều cán bộ ngân hàng đâu đó vẫn còn rất chủ quan, ngây thơ với suy nghĩ rằng, mình không cố ý biển thủ, không tiếp tay đồng phạm thì không sao cả. Song họ đâu biết rằng, sự sơ suất nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể khiến họ vướng vào vòng lao lý.

Nhiều người vẫn nói rằng, ngân hàng là thiên đường của những ước mơ. Và thực tế, ngân hàng vẫn luôn là nơi hào nhoáng với lương cao, thưởng lớn… Tuy nhiên, những năm gần đây, có không ít vụ án liên quan đến ngành ngân hàng, những góc khuất, những ý kiến trái chiều gây xôn xao dư luận. Nghề ngân hàng trở nên bớt đi sự lấp lánh mà người ta vẫn khoác cho nó trước đây.

Trong bất cứ ngành nghề nào cũng luôn có người tốt và kẻ xấu. Ngành ngân hàng cũng không ngoại lệ và tội phạm ngân hàng thì vẫn tồn tại. Nhưng có lẽ tâm điểm của mọi sự chú ý thời gian gần đây không phải là các đại án ngân hàng đã và đang được xét xử, mà là các vụ để mất tiền xảy ra ở Eximbank hay OceanBank.

Qua các sự việc trên, không chỉ nhân viên Eximbank, OceanBank, mà nhân viên các ngân hàng khác cần phải nhìn lại mình. Bởi lẽ, nếu ai đã từng làm tại ngân hàng cũng đều biết rằng, nghề ngân hàng luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước, đôi khi chỉ là những sơ suất và không cố ý mà bình thường họ vẫn nghĩ là “chuyện thường ngày ở huyện”, song hậu quả sẽ là rất nặng nề.

Vân Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục