Bồi thường thiệt hại án kinh tế, khó san sẻ cho đều

(ĐTCK) Trong vụ án Giám đốc Công ty cổ phần Williams Việt Nam huy động vốn trái phép của hàng trăm người, chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỷ đồng, xảy ra tình huống cơ quan điều tra xử lý vật chứng, trao trả tiền cho một số cá nhân cụ thể. Có người được hoàn trả bằng nhà trị giá 14 tỷ đồng, trong khi một số cá nhân chưa được nhận đồng nào và phải hầu tòa ròng rã nhiều năm, dẫn đến bức xúc cho các nhà đầu tư.
Bồi thường thiệt hại án kinh tế, khó san sẻ cho đều

Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Chi (Giám đốc Công ty luật Tam Anh) xung quanh vấn đề này. 

Ở giai đoạn tố tụng, pháp luật quy định như thế nào về bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong những vụ án hình sự kinh tế? Có những trường hợp nào sẽ được ưu tiên thanh toán?

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể về nguyên tắc việc phân chia bồi thường thiệt hại như chia cho ai, bao nhiêu và thứ tự trước, sau ra sao. Tuy nhiên, với những trường hợp vụ án hình sự kinh tế có số lượng bị hại đặc biệt lớn, hàng chục, hàng trăm người thì có một nguyên tắc là sẽ ưu tiên thanh toán trước cho lợi ích chung, lợi ích nhà nước. Phần còn lại, tùy thuộc vào số lượng người thiệt hại trong vụ án để chia theo tỷ lệ.

Để đảm bảo quyền lợi chung của các bị hại, cơ quan chức năng sẽ chia tiền bồi thường theo tỷ lệ.   

Theo thủ tục tố tụng, người có thiệt hại có đơn gửi đến cơ quan tòa án. Cơ quan tố tụng phải xem xét yêu cầu để xác định họ có thuộc diện là bị hại trong vụ án không. Bị hại có các quyền như đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường. Các bị hại đều có quyền được bồi thường như nhau.

Tuy chia bao nhiêu thì hiện pháp luật không quy định cụ thể, nhưng thông thường, để đảm bảo quyền lợi chung của các bị hại, cơ quan chức năng sẽ chia theo tỷ lệ. Ví dụ, trong vụ án lừa đảo cho vay vốn, nếu có 1 đồng mà phải chia cho 10 người thì người cho vay 1 tỷ đồng sẽ được chi trả nhiều hơn so với người cho vay 100 triệu đồng.

Do ở giai đoạn này, pháp luật không quy định rõ ràng nên có thể dẫn đến tình trạng nếu số tiền khắc phục để thi hành án quá nhỏ so với lượng người bị hại thì sẽ có người được trả trước, người được trả sau, hoặc thậm chí là không được chi trả. Còn ở giai đoạn thi hành án, thứ tự thanh toán được quy định rất cụ thể. Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án. 

Vậy nếu có thiệt hại, bị hại bắt buộc phải đưa đơn và chờ cơ quan tố tụng giải quyết?

Theo quy định, người bị thiệt hại có thể gửi đơn từ giai đoạn điều tra, xét xử, truy tố. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có quyền trả lại tài sản cho bên bị hại và không nhất thiết phải giải quyết tại tòa án. Song đó là những trường hợp không có tranh chấp. Với trường hợp có những vướng mắc thủ tục hay mâu thuẫn ý kiến giữa các bên, cơ quan chức năng phải chờ quyết định cuối cùng của cơ quan tố tụng, tức là bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Sau đó, bị hại gửi đơn yêu cầu thi hành án để cơ quan thi hành án thực hiện việc chi trả.

Giả sử trong quá trình tố tụng, các bên đồng thuận với nhau về cách thức và mức bồi thường thiệt hại thì tòa án có thể giải quyết luôn mà không phải chờ khi tố tụng kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, để khép lại một vụ án hình sự, mà giải quyết triệt để các vấn đề hình sự, dân sự nhiều khi mất rất nhiều thời gian, có vụ án kéo dài 5 năm, 10 năm. Do đó, tùy từng vụ việc, trường hợp cụ thể, cơ quan tố tụng sẽ linh động giải quyết để khắc phục tối đa mức thiệt hại, bởi ưu tiên lớn nhất trong những vụ án này là thu hồi tài sản và trao trả cho đối tượng thiệt hại.

Thông thường, việc chi trả bồi thường sẽ phụ thuộc vào thời điểm bị hại toàn tất thủ tục pháp lý. Có nghĩa là người có đơn gửi đến cơ quan chức năng sớm và hoàn thành thủ tục pháp lý thì sẽ được ưu tiên thanh toán trước.

Đỗ Mến thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục