Bảo hiểm Viễn Đông bị phản tố

(ĐTCK) ĐTCK số 74 có bài phản ánh về vụ khởi kiện đòi phí bảo hiểm của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đối với CTCP Phát triển năng lượng Sơn Vũ (Công ty Sơn Vũ). Ngày 21/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ việc.
Bảo hiểm Viễn Đông bị phản tố

> Bảo hiểm Viễn Đông có đòi được nợ?

Tại tòa, Công ty Sơn Vũ phản tố, đề nghị HĐXX tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu và đòi bồi thường thiệt hại 366,3 triệu đồng.

Bảo hiểm Viễn Đông bị phản tố ảnh 1

Hủy hợp đồng, nhưng vẫn nhận nợ

Tại phiên xử, đại diện Công ty Sơn Vũ khai rằng, sở dĩ Công ty không đóng phí bảo hiểm là vì phía VASS không bồi thường thiệt hại 366,3 triệu đồng theo đúng cam kết hợp đồng, nên ngừng hợp đồng, không tiếp tục đóng phí từ ngày 21/8/2009. Tuy nhiên, phía Công ty Sơn Vũ không đưa ra được văn bản nào thể hiện ý chí chấm dứt hợp đồng.

Chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu Công ty Sơn Vũ giải thích, vì sao chấm dứt hợp đồng từ ngày 21/8/2008, nhưng đến ngày 16/1/2009 vẫn có văn bản nhận nợ phí bảo hiểm là 1,770 tỷ đồng? Phía Sơn Vũ cho rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, do phí bảo hiểm được chia theo đợt, nên Công ty nhận nợ, nhưng do VASS không bồi thường nên Công ty không thực hiện tiếp hợp đồng.

 

Tháng 5/2007, VASS và Công ty Sơn Vũ ký kết hợp đồng bảo hiểm cho mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt cho Công trình Thủy điện Mường Hum (tỉnh Lào Cai). Thời hạn bảo hiểm từ ngày khởi công công trình 28/4/2007 cho đến khi hoàn thành công trình, dự kiến 30 tháng, phí bảo hiểm là 2,866 tỷ đồng và được chia làm 3 đợt. Tháng 8/2008, một cơn bão lớn xảy ra, gây thiệt hại cho công trình. Tại thời điểm này, bên mua bảo hiểm chưa đóng phí, nên hợp đồng không có hiệu lực. Bên giám định kết luận, phía Sơn Vũ đã mua bảo hiểm dưới giá trị. Nếu tính theo đơn bảo hiểm thì phần bồi thường của nhà bảo hiểm là 111,9 triệu đồng, nếu tính theo đúng giá trị thì bồi thường là 366,3 triệu đồng. Sau đó, hai bên thương lượng để tiếp tục thực hiện hợp đồng, bên mua đóng phí đợt 1, còn bên bảo hiểm bồi thường đúng giá trị. Tuy nhiên, phần phí bảo hiểm còn lại bên mua chưa thanh toán, do đó, VASS đã khởi kiện để đòi phí.

Trong khi đó, phía VASS cho biết, khi xảy ra thiệt hại, Sơn Vũ chưa đóng phí bảo hiểm. Vì vậy, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm của nhà bảo hiểm chưa phát sinh, hợp đồng chưa có hiệu lực. Do đó, khi các bên thương lượng để tiếp tục thực hiện hợp đồng, phần bồi thường đã được cấn trừ luôn vào phí bảo hiểm.

 

Khúc mắc thẩm quyền ký kết

Đối với yêu cầu phản tố của Sơn Vũ, đòi VASS bồi thường 366,3 triệu đồng và đề nghị Tòa tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, vì sai thẩm quyền ký kết, Chủ tọa phiên tòa đã xét hỏi Sơn Vũ về sự mâu thuẫn trong 2 yêu cầu này. Bởi lẽ, nếu hợp đồng vô hiệu thì trách nhiệm của các bên không phát sinh, VASS cũng không có trách nhiệm bồi thường.

Luật sư Đào Ngọc Lý, luật sư bảo vệ cho Công ty Sơn Vũ trả lời rằng, hợp đồng vô hiệu thì các bên phải trả lại những gì đã nhận, tức là VASS phải trả lại hơn 1 tỷ đồng phí bảo hiểm mà Sơn Vũ đã đóng. Còn khoản tiền 366,3 triệu đồng không phải là tiền bồi thường theo đơn bảo hiểm, mà là bồi thường thiệt hại để xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Bởi vì, nếu không ký kết hợp đồng với VASS thì Sơn Vũ đã mua bảo hiểm của hãng khác và được bồi thường.

Sơn Vũ đưa ra căn cứ cho rằng hợp đồng vô hiệu là sai thẩm quyền ký kết như sau: đại diện theo pháp luật của VASS là Chủ tịch HĐQT, điều này được quy định trong Điều lệ Công ty. Tổng giám đốc của VASS tại thời điểm ký kết hợp đồng đã ủy quyền cho Phó tổng giám đốc ký kết. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT VASS không có văn bản ủy quyền cho Tổng giám đốc để thực hiện ký kết các hợp đồng. Người trực tiếp ký kết hợp đồng có chức danh là Phó tổng giám đốc, nhưng con dấu lại là của văn phòng đại diện, không có tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, đại diện VASS đã cung cấp Công văn số 067 ngày 3/5/2012 về việc xác nhận ủy quyền ký kết hợp đồng bảo hiểm do ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật VASS ký. Theo đó, ông Ngọc xác nhận trong thời gian đương nhiệm, ông Nguyễn Tiến, Tổng giám đốc VASS được HĐQT phân cấp ký kết các hợp đồng bảo hiểm phát sinh không giới hạn mức phân cấp và được ủy quyền lại cho cấp dưới. Ông Nguyễn Tiến có văn bản ủy quyền cho ông Thái Văn Cách được giao kết các hợp đồng bảo hiểm là đúng với quy định. VASS xác nhận việc ký kết hợp đồng bảo hiểm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phát sinh từ hợp đồng này.

Ngoài ra, đại diện của VASS viện dẫn Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu người ký kết không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện, người có thẩm quyền ký kết chấp thuận hoặc người có thẩm quyền biết mà không phản đối. Ở đây, người có thẩm quyền là ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT VASS đã biết và chấp thuận, nên không thể coi là hợp đồng vô hiệu vì sai thẩm quyền ký kết.

Sau nửa ngày làm việc, Hội đồng xét xử dành một ngày để nghị án và tuyên án vào chiều 22/6/2012.

 

Nghị quyết số 04/2003 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế được ban hành để hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Đến nay, Pháp lệnh này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ văn bản nào thay thế, bổ sung hoặc bãi bỏ Nghị quyết này. Bởi vậy, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Nghị quyết 04/2003 vẫn còn hiệu lực. Vấn đề đặt ra là một văn bản hướng dẫn văn bản đã hết hiệu lực pháp luật sẽ được áp dụng ra sao? Tới nay, vẫn chưa có sự áp dụng thống nhất trong các cơ quan tố tụng và chưa thấy cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác tính hiệu lực của nó.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục