Áp dụng hồi tố BOT Cai Lậy được không?

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong trường hợp này không thể áp dụng hồi tố.
Nhân viên trạm thu giá Cai Lậy vui vẻ giải thích, hướng dẫn tài xế trả tiền mệnh giá nhỏ đưa xe vào bên trong. Nhân viên trạm thu giá Cai Lậy vui vẻ giải thích, hướng dẫn tài xế trả tiền mệnh giá nhỏ đưa xe vào bên trong.

BOT Cai Lậy đang trở thành một điểm nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự do những phản ứng của người dân, đòi di dời trạm BOT. Để đánh giá được toàn thể, phải nhìn lại quá trình đầu tư, xây dựng dự án này.

Vậy đã đầu tư đúng quy định thì việc đòi di dời trạm là một điều bất hợp lý. Chủ đầu tư đã bỏ tiền ra, không thể không thu lại. Họ đã ký kết hợp đồng với Nhà nước, tuân thủ theo đúng các quy định lúc bấy giờ, không có lý do gì để thay đổi hợp đồng ấy.

Quan trọng nhất bây giờ là thông tin cho người dân dự án này gồm cả cải tạo, nâng cấp QL1 cũ và cả tuyến đường tránh, thời gian thu phí cho cả cung đường cải tạo và cung đường tránh trong bao lâu, còn nếu chỉ đặt trạm thu phí ở tuyến đường tránh thì thời gian thu phí sẽ kéo dài hơn thế nào.

Việc tuyên truyền rất quan trọng, đừng để dân nói thông tin dự án tù mù. Nếu chúng ta không công khai, người dân rất dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông.

Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) có hiệu lực từ cuối tháng 10 năm nay quy định, việc đầu tư các dự án BOT giao thông chỉ thực hiện trên những tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Nhưng trước đó, khi Nghị quyết này chưa ban hành, thì việc đầu tư xây dựng các công trình BOT phải căn cứ theo các quy định hiện hành tại thời điểm đó, cụ thể là căn cứ vào Nghị định 108 năm 2009 và Nghị định 15 năm 2015.

Mà theo các văn bản này, thì vẫn cho phép đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường cải tạo, nâng cấp. Vì thế, trên tuyến QL1 vừa qua Quốc hội cũng cho phép thu hút vốn đầu tư BOT.

Theo nguyên tắc, khi chưa có văn bản mới, mọi hoạt động phải tuân theo quy định của văn bản đang có hiệu lực thi hành vào thời điểm đó.

Nghị quyết của  Ủy ban TVQH về BOT chỉ áp dụng cho các công trình mới triển khai kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, còn các công trình được đầu tư trước đó phải dựa vào quy định của các Nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm đó. Bởi vậy, nếu đặt ra vấn đề hồi tố trong trường hợp này không hợp lý.

Hiện nay, các chính sách đưa ra rất hiếm khi áp dụng nguyên tắc hồi tố, bởi hồi tố sẽ gây rất nhiều hệ quả phía sau, dễ dẫn đến sự không công bằng. Trong một số chính sách đặc thù có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố nhưng về mặt đại thể thì không nên.

Nếu nói về hồi tố trong trường hợp này không thể nào hồi tố được, bởi vì toàn bộ các trạm BOT trên tuyến QL1 đều là các dự án đầu tư cải tạo và nâng cấp chứ không có tuyến nào làm mới, chỉ có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai là làm mới. Nhà nước có đủ tiền để trả cho các nhà đầu tư không?

Bởi vậy, việc cần làm bây giờ là thông tin, tuyên truyền cho người dân để dân biết đó là những cái đúng và hợp lý của dự án BOT Cai Lậy.

Nếu di dời trạm Cai Lậy, ngoài việc Nhà nước phải bỏ ra số tiền rất lớn đền bù cho chủ đầu tư, còn tạo ra một tiền lệ không tốt để người dân tại những trạm BOT khác trên cả nước cũng phản ứng và yêu cầu như vậy.

Làm như vậy, sẽ không có nhà đầu tư chân chính nào dám đầu tư, không có những con đường mới, đẹp và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong lưu thông.

Đầu tư kết cấu hạ tầng là trách nhiệm chung của cả nước chứ không phải của địa phương nào và dù đầu tư kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hay BOT thì trong bối cảnh ngân sách khó khăn thế này, người dân cũng cần có sự chia sẻ, chung tay với Nhà nước để tạo ra nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình tiếp theo.


Theo Vietnamet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục