Ai gánh tổn thất vì vi phạm hợp đồng?

Nhiều doanh nghiệp (DN) vì vi phạm hợp đồng mà bị đối tác phạt, thiệt hại không nhỏ. Ai sẽ là người phải gánh chịu tổn thất này? Không thiếu các thông tin về việc các DN bị phạt tiền, thậm chí phạt nặng vì chuyện vi phạm hợp đồng.
Bà Bạch Thị Lệ Thoa (giữa) tranh luận với đại diện người lao động trong chương trình Bà Bạch Thị Lệ Thoa (giữa) tranh luận với đại diện người lao động trong chương trình

Mới đây, việc hai nhà thầu tư vấn thi công Dự án Đường nối thị xã Vị Thanh - TP. Cần Thơ (đoạn qua tỉnh Hậu Giang) vừa lĩnh án phạt tiền và bị cấm đấu thầu do không hoàn thành nhiệm vụ, khiến dự án có tổng mức đầu tư trên 2.920 tỷ đồng có chất lượng thi công kém, mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng nặng.

Một sự việc hy hữu cũng đã được nhắc nhiều vào đầu năm nay, khi CTCP Chứng khoán Artex (FLCS) bất ngờ công bố thông tin về việc bị tổn thất trên 10% giá trị tài sản do việc phải trả khoản tiền phạt gần 87 tỷ đồng cho Công ty TNHH một thành viên FLC Land.

Chuyện là, FLCS đã phạt Công ty FLC Land số tiền là 102,5 tỷ đồng do việc chậm bàn giao diện tích văn phòng theo quy định tại hợp đồng mà hai bên đã ký. Sau đó, FLCS đã xem xét giảm trừ 13 triệu tiền phạt vi phạm cho FLC Land. Tuy nhiên, căn cứ quy định của Luật Thương mại 2005, thì số tiền FLCS “được phép phạt” chỉ là 2,8 tỷ đồng. Vì thế, Công ty này phải hoàn trả lại cho FLC Land số tiền 86,69 tỷ đồng chênh lệch.

Chuyện phạt đi - trả lại của FLCS và FLC Land, hay việc bị phạt vì chậm thi công theo hợp đồng, trên thực tế, không phải là chuyện hiếm gặp. Càng ở các DN nhỏ, với cung cách làm việc và quản lý thiếu chuyên nghiệp, thậm chí đôi phần còn tùy tiện, thì chuyện này càng dễ gặp.

Vi phạm hợp đồng, bị phạt, DN bị thiệt hại về kinh tế đã đành, mà theo các chuyên gia kinh tế, còn bị ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu, khiến DN khó bề kiếm hợp đồng mới về sau. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này, còn là việc nội bộ DN phải xử lý làm sao để không lặp lại những sai lầm này. Quy trách nhiệm cho ai, cho cá nhân hay tập thể? Liệu có chuyện cá nhân những người có liên quan phải bỏ tiền túi ra nộp phạt hay không?

Tình huống được đặt ra là, một DN hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và in. Vừa qua, trong quá trình thực hiện một hợp đồng in ấn có giá trị 1,5 tỷ đồng, phòng sản xuất đã xảy ra một số sai sót về chất lượng. Vì thế, khách hàng của Công ty từ chối lô hàng. Sau khi đàm phán, khách chấp nhận nhận hàng, nhưng phạt hợp đồng khiến Công ty bị lỗ 10%.

Đây rõ ràng là một tổn thất trầm trọng với DN. Nếu vụ việc không được giải quyết đến cùng, sẽ gây ra những hệ lụy xấu. Do đó, CEO cho rằng, nhất quyết phải quy trách nhiệm bồi thường cho người trưởng phòng để mọi người thấy được trách nhiệm trong công việc.

Tuy nhiên, khi quyết định được đưa ra, trưởng phòng sản xuất cho rằng, thực hiện hợp đồng là cả một quá trình, do nhiều người tham gia, nên không thể quy lỗi cho riêng cá nhân ông. Hơn nữa, bản thân trưởng phòng cũng cho rằng, mình đã làm hết trách nhiệm, nên quyết không chịu nhận trách nhiệm. Đây là tổn thất và rủi ro của DN.

“Các cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho những sai sót của mình”, bà Bạch Thị Lệ Thoa, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật gia Phạm bày tỏ quan điểm.

Bà Thoa chính là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề Quyền lợi và trách nhiệm - Tổn thất vì hợp đồng. Cuộc tranh luận nảy lửa giữa bà Thoa và ông Đàm Minh Hoàng, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH Nokia Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên viên Quan hệ khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), sẽ đưa ra lời giải đáp cho việc nên quy trách nhiệm cho ai khi hợp đồng bị vi phạm, DN chịu thiệt hại.   

Nhã Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục