Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến Nhà hàng Phù Đổng - Phú Thọ: 8 năm vẫn chưa xử xong

(ĐTCK) Giữa tháng 5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy án vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và CTCP Đầu tư thương mại Việt Hưng.
Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến Nhà hàng Phù Đổng - Phú Thọ: 8 năm vẫn chưa xử xong

Vụ án này kéo dài từ năm 2012, từng bị kháng nghị, đưa ra xét xử nhiều lần song vẫn chưa giải quyết hết các vấn đề còn tồn đọng. Tòa án đã hỏi các bên về phương án hòa giải, tuy nhiên ngân hàng cho biết, liên quan đến tài sản của nhà nước nên phải chờ quyết định cuối cùng của cơ quan tố tụng.

Chờ kháng nghị, vẫn bán đấu giá tài sản

Công ty Việt Hưng được thành lập năm 2007, thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần 3 năm 2009, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Sơn, thay đổi lần 4 là ông Nguyễn Ngọc Hoàn.

Từ năm 2005- 2009, công ty có quan hệ tín dụng với một ngân hàng với 7 hợp đồng tín dụng, vay số tiền 17 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã thế chấp tài sản đảm bảo là dây chuyền nấu bia đức, xe ô tô, xe máy, xe công trình các loại, nhà Trung tâm thương mại dịch vụ (Nhà hàng Phù Đổng, đại lộ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, định giá là 12 tỷ đồng). Công ty mới thanh toán một phần nợ gốc.

Do vi phạm nghĩa vụ trả nợ, năm 2012, ngân hàng khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Công ty Việt Hưng thanh toán nợ gốc 10 tỷ đồng và nợ lãi 6 tỷ đồng.

Ngày 23/7/2012, TAND tỉnh Phú Thọ công nhận quyết định hòa giải thành. Hai bên thống nhất lộ trình và ấn định thời gian trả nợ. Tuy nhiên, Công ty Việt Hưng không trả được nợ đúng hạn nên ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản thế chấp.

Năm 2013, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Việt Trì (Phú Thọ) ban hành nhiều văn bản để kê biên diện tích đất 300 m2 gồm nhà hàng Phù Đồng. Theo hợp đồng giữa Chi cục Thi hành án dân sự và Công ty Bán đấu giá việt Nam (VAS), giá khởi điểm bất động sản trên là 11 tỷ đồng, thời gian tổ chức bán đấu giá là 9h ngày 24/11/2013. Ngân hàng chủ nợ tham gia và trúng đấu giá bằng giá khởi điểm.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2013, ông Nguyễn Ngọc Hoàn đã có đơn kháng nghị giám đốc thẩm biên bản hòa giải ngày 23/7/2012. Lý do là thời điểm thỏa thuận, ông Sơn không phải là Giám đốc Công ty Việt Hưng.

Ngày 20/12/2013, TAND tỉnh Phú Thọ có công văn gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP. Việt Trì yêu cầu tạm dừng thi hành quyết định công nhận thỏa thuận để chờ kết quả xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, đầu năm 2014, Chi cục Thi hành án dân sự có quyết định cưỡng chế tài sản để bàn giao cho người trúng đấu giá.

Ngày 30/11/2015, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định 2921 về việc thu hồi đất của Công ty Việt Hưng và giao cho ngân hàng.

Nhiều vi phạm tố tụng

Ngày 22/1/2014, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ đã chấp nhận kháng nghị của Công ty Việt Hưng, hủy quyết định hòa giải thành do vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Khi đó, Công ty Việt Hưng đã bán một số tài sản để thanh toán thêm 2,517 tỷ đồng. Ngân hàng đã thu nợ 2,45 tỷ đồng và tạm giữ 44,9 triệu đồng. 

Đến tháng 7/2014, TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tháng 11/2014 ra xét xử phúc thẩm đều tuyên buộc Công ty Việt Hưng phải trả tiền nợ gốc là 8,4 tỷ đồng và lãi là 9 tỷ đồng. Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp Nhà hàng Phù Đồng. Trường hợp công ty không trả được nợ thì yêu cầu phát mại tài sản trên. Công ty tiếp tục khiếu nại.

Năm 2017, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên. Năm 2019, vụ án được đưa xét xử sơ thẩm lần thứ 3. Công ty đưa ra hàng loạt yêu cầu là tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, hủy quyết định về việc thu hồi đất, buộc Chi cục Thi hành án dân sự phải bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, tòa không chấp nhận. Do đó, công ty tiếp tục kháng cáo lên tòa án phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm nhận định gì?

Theo tòa phúc thẩm, lẽ ra khi công ty trả thêm 2,517 tỷ đồng, ngân hàng phải trừ các khoản chi phí để xác định nợ gốc để làm căn cứ xác định lãi. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xác định công ty còn nợ 8,4 tỷ đồng tiền gốc là không đúng nên việc tính lãi cũng không đúng.

Mặt khác, hợp đồng thế chấp Nhà hàng Phù Đổng, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ ra là vi phạm khoản 1, Điều 111, Luật Đất đai năm 2003 vì đây là đất thuê trả tiền hàng năm (chỉ được thế chấp tài sản gắn liền với đất-pv). Lẽ ra tòa sơ thẩm phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu theo Điều 137, Bộ luật Dân sự 2005. Khi xét xử lại, tòa sơ thẩm không điều tra, không xem xét thỏa đáng mà vẫn tuyên hợp đồng có hiệu lực.

Tòa sơ thẩm tách yêu cầu bồi thường thiệt hại thành vụ án khác nhưng lại không hướng dẫn đương sự nộp đơn. Do có nhiều sai sót không thể khắc phục nên tòa phúc thẩm hủy án để xét xử lại.  

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục