Vụ Tập đoàn Thái Hòa: Bảo hiểm rủi ro hàng hóa mất hiệu lực?

(ĐTCK) Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Hòa do thiếu sót liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm rủi ro hàng hóa mà doanh nghiệp này đã ký trước đây. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Trước năm 2010, CTCP Tập đoàn Thái Hòa (mã THV) từng là doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê. Năm 2013, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế năm 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp. Đến năm 2016, dàn lãnh đạo Công ty là ông Nguyễn Văn An (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc) và bà Ngô Thị Hạnh (vợ ông An, nguyên Phó tổng giám đốc) vướng vòng lao lý.

Thời kỳ kinh doanh phát triển, Thái Hòa có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng trong nước, trong đó có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Nội. Năm 2010, Vietcombank đã cấp hạn mức tín dụng cho Thái Hòa 200 tỷ đồng. Theo hồ sơ vụ án, các bị cáo lập hồ sơ vay tiền với lý do thu mua cà phê để xuất khẩu, nhưng mục đích là để đảo nợ.

Ngân hàng đã giải ngân 184 tỷ đồng. Các bị cáo sử dụng 156 tỷ đồng để trả nợ cho Vietcombank và sử dụng 22,5 tỷ đồng trả nợ cho các ngân hàng khác. Cáo trạng truy tố các bị cáo chiếm đoạt ngân hàng số tiền 127 tỷ đồng. Nhưng khi xem xét, tòa án sơ thẩm chỉ quy kết các bị cáo chiếm đoạt số tiền 27 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên gồm sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng, tài sản trên đất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê An Giang tại Khu công nghiệp Tam Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai và 42,3 triệu cổ phần tại CTCP Cà phê An Giang, tổng trị giá 56 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty bổ sung biện pháp bảo đảm là hợp đồng bảo hiểm rủi ro hàng hóa.

Cơ quan điều tra xác định mặc dù không có hoạt động kinh doanh cà phê, trong kho không có hàng hóa, nhưng bị cáo An và Hạnh đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền ngân hàng như lập, ký khống hồ sơ vay vốn gồm hợp đồng kinh tế, phương án trả nợ…

Đặc biệt, theo quy kết tại cáo trạng và bản án sơ thẩm, các bị cáo có hành vi gian dối là ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro hàng hóa với Công ty Bảo hiểm Bưu điện Thăng Long - PTI và CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - chi nhánh Nghệ An (ABIC), tổng giá trị 150 tỷ đồng. Bên thụ hưởng là Vietcombank Hà Nội.

Theo quy định, trước khi ký hợp đồng, khách hàng gửi giấy yêu cầu bảo hiểm (danh mục tài sản) trong đó kê khai đối tượng, địa điểm và tài sản được bảo hiểm. Công ty bảo hiểm tiếp nhận yêu cầu, đánh giá rủi ro, chụp ảnh, kiểm tra hệ thống phòng cháy, thoát nước… để quyết định ký hợp đồng bảo hiểm.

Cả hai hợp đồng trên, các công ty bảo hiểm không đi kiểm tra thực tế vì tin rằng đối tượng bảo hiểm có độ rủi ro không cao và dựa trên bảng kê danh mục tài sản do khách hàng cung cấp. Cơ quan điều tra cho rằng, sau khi ký hợp đồng với PTI, Công ty Thái Hòa chưa thanh toán hết tiền nên hợp đồng trên không có hiệu lực.

Những lời khai tại tòa và hồ sơ lại cho thấy, năm 2010, Công ty Thái Hòa ký 3 hợp đồng bảo hiểm rủi ro hàng hóa với PTI và ABIC với tổng số tiền bảo hiểm hàng hóa trị giá 150 tỷ đồng và bảo hiểm tài sản trị giá 33 tỷ đồng. Năm 2011, do hợp đồng bảo hiểm hàng hóa hết hạn lại liên quan đến hợp đồng tín dụng chưa trả được và hợp đồng tín dụng dự kiến ký mới, Công ty ký lại các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa với 2 công ty trên với tổng giá trị 150 tỷ đồng.

Tòa án phúc thẩm cho rằng bảo hiểm hàng hóa là cam kết bồi thường trong trường hợp hàng hóa bị tổn thất, thất thoát hoặc rủi ro xảy ra. Ý nghĩa của bảo hiểm là bù đắp cho doanh nghiệp khi rủi ro xảy ra nhằm đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cho thấy việc điều tra không đầy đủ và việc quy kết không thuyết phục vì có 5 hợp đồng bảo hiểm nhưng tài liệu truy tố chỉ thể hiện có 2.

Mặt khác, việc kết luận các hợp đồng này có hiệu lực hay có bị vô hiệu không là thuộc thẩm quyền của tòa án khi có tranh chấp. Tòa sơ thẩm xác định các hợp đồng này không có hiệu lực, không ràng buộc nghĩa vụ với các công ty bảo hiểm là làm bất lợi cho các bị cáo hoặc có thể làm thiệt hại cho bên thụ hưởng. Tòa án sơ thẩm không xác định đại diện các công ty bảo hiểm tham gia tố tụng với tư cách người có nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.       

Được biết, năm 2014, Vietcombank đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty Thái Hòa tại Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân. Tòa án đã tạm đình chỉ giải quyết với lý do chờ kết luận ủy thác của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Như vậy, vụ việc trên vẫn đang được Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân giải quyết. Cùng một quan hệ pháp luật nhưng trong vụ án kinh doanh thương mại, ngân hàng là nguyên đơn dân sự, trong vụ án hình sự lại là bị hại.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục