Vụ quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa: Ai đã khắc phục hậu quả 4,8 tỷ?

(ĐTCK) Cục Đường thủy nội địa đã thống nhất và có chủ trương về việc phát động phong trào quyên góp, ủng hộ để khắc phục hậu quả hành vi lập "quỹ đen" tại cơ quan này.
Vụ quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa: Ai đã khắc phục hậu quả 4,8 tỷ?

Lĩnh án vì nhận tiền tỷ của nhà thầu

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT).

Theo nhận định của HĐXX, có đủ căn cứ khẳng định các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

HĐXX đánh giá, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như: các bị cáo không chiếm hưởng cá nhân mà sử dụng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng trên chi tiêu vào các công việc chung của Cục; đã khắc phục số tiền 4,8 tỷ đồng; các bị cáo có nhân thân tốt, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trên cơ sở đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Cục Đường thủy nội địa Việt Nam); bị cáo Trần Đức Hải (nguyên phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) mức án 6 năm tù.

Với vai trò giúp sức nên bị cáo Vũ Mạnh Hùng, nguyên Quyền trưởng phòng kế hoạch đầu tư - bị tuyên mức án 5 năm tù.

Theo kết quả điều tra, tháng 12/2013, Cục Đường thủy nội địa có tờ trình về việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia năm 2015.

Trên cơ sở tờ trình, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó có các gói thầu thi công các công trình đường thủy nội địa.

Cục Đường thủy nội địa là chủ đầu tư các công trình này, Ban Quản lý dự án được nhận làm tư vấn giám sát thi công.

Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao thu tiền trái quy định của 14 người là đại diện cho 16 nhà thầu. Hành vi này diễn ra từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016. Số tiền đã thu là 4,2 tỷ đồng và 27.900 USD, quy đổi tương đương hơn 4,8 tỷ đồng.

Số tiền này các bị cáo không quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

Quá trình điều tra, các cá nhân đại diện cho 15 nhà thầu phủ nhận việc đưa tiền “phần trăm” cho bị cáo Phạm Văn Thông và chối bỏ quyền lợi của công ty.

Đại diện các công ty khai không tham gia việc bàn bạc thống nhất để Phạm Văn Thông ký giấy vay nợ, trả nợ cá nhân để hợp thức hóa hành vi sai trái và số tiền Thông đã thu trái phép.

Ai đã nộp 4,8 tỷ đồng?

Đáng chú ý, vụ việc bị phát hiện từ tháng 8/2016. Sau đó, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra xác định có việc nhận tiền của nhà thầu và để ngoài sổ sách số tiền 4,2 tỷ đồng và 27.900 USD. Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu phải nộp lại số tiền này.

Sau đó, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa đã thống nhất và có chủ trương giao cho Công đoàn cơ quan Cục phát động phong trào ủng hộ, quyên góp cho Cục Đường thủy nội địa và Phạm Văn Thông để có tiền nộp khắc phục hậu quả. Công đoàn Cục đã lập hòm phiếu để các cán bộ, nhân viên của Cục tự nguyện bỏ tiền vào hòm.

Số tiền quyên góp được là hơn 4,8 tỷ đồng, còn dư 5 triệu đồng so với số tiền phải khắc phục.

Khi đó, bị cáo Vũ Mạnh Hùng và ông Đặng Xuân Hy, Phó Chánh văn phòng Cục là những người kiểm đếm tiền quyên góp. Số tiền này được nộp vào Kho bạc Nhà nước Hà Nội thành 2 lần.

Cục Đường thủy nội địa có văn bản nhất trí ủng hộ toàn bộ số tiền này cho các bị cáo, không yêu cầu hoàn lại.

Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã lấy lời khai của ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa. Theo đó, ông Giang khai rằng không biết việc nhận tiền của nhà thầu cho đến khi báo chí phản ánh. Ông Giang không chỉ đạo các bị cáo nhận tiền.

Về việc quyên góp ủng hộ các bị cáo, cá nhân ông Giang ủng hộ 5 triệu đồng vào hòm quyên góp.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục