Vụ buôn lậu ô tô BMW: Công ty Âu Châu vẫn phải nộp 53,5 tỷ đồng

(ĐTCK) Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt xin giảm nhẹ hình phạt, còn CTCP Ô tô Âu Châu  kháng cáo theo hướng không phải nộp lại số tiền 53,5 tỷ đồng nhưng không được chấp nhận.
Ảnh Internet Ảnh Internet

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xem xét đơn kháng án trong vụ án buôn lậu ô tô BMW xảy ra tại CTCP Ô tô Âu Châu.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, TAND TP.HCM xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (SN 1974, nguyên Tổng giám đốc CTCP Ô tô Âu Châu) mức án 9 năm tù, Trần Hải Đăng (SN 1974, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mai - Giao nhận Việt Á) 7 năm tù và Nguyễn Thị Minh Yến (SN 1982, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối CTCP ô tô Âu Châu) 5 năm tù về tội Buôn lậu.

Về phần dân sự, tòa án buộc Công ty Âu Châu phải nộp lại số tiền 53,5 tỷ đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Công ty Âu Châu đề nghị  không nộp lại số tiền trên với lý do 91 xe ô tô BMW không phải là vật chứng.

Quá trình xét xử phúc thẩm, tòa án nhận định, năm 2013, các bị cáo đã thỏa thuận, cấu kết nhau làm giả các giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu 91 xe ô tô hiệu BMW như làm giả 91 hóa đơn có giá trị thấp, giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (CQ) đăng ký kiểm tra chất lượng để hoàn thiện đưa vào hồ sơ khái báo hải quan.

Tổng giá trị hóa đơn do bên bán (Công ty BMW AG) phát hành là hơn 60 tỷ đồng còn số liệu các bị cáo kê khai là 56,4 tỷ đồng.

Hành vi trên gây thiệt hại cho nhà nước các loại thuế nhập khẩu là 6,4 tỷ đồng.

Theo cấp phúc thẩm, các bị cáo là nhân viên công ty, là người thừa hành, chỉ làm công hưởng lương, không hưởng lợi trực tiếp từ hành vi trên. Công ty Âu Châu đã nộp lại số tiền thuế chênh lệch 6,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Vì vậy, tòa chấp nhận giảm án cho bị cáo, mỗi bị cáo được giảm 2 năm. Bị cáo Thảo lĩnh án 7 năm tù, Đăng 5 năm tù và Yến 3 năm tù.

Đối với kháng cáo của Công ty Âu Châu, tòa án thấy rằng, 91 xe ô tô hiệu BMW là hàng hóa thật, mua bán công khai. Việc làm sai của các bị cáo không liên quan đến công ty và công ty không phải chịu trách nhiệm hậu quả.

Do 91 chiếc xe này là đối tượng của hành vi buôn lậu của các bị cáo nên cần tịch thu.

Tuy nhiên, các xe này đã được thông quan và công ty đã bán, tiêu thụ hết cho các khách hàng. Việc mua bán đều có hợp đồng và là giao dịch rõ ràng. Bản án sơ thẩm tuyên không buộc thu hồi xe mà buộc Công ty Âu Châu nộp lại số tiền hơn 53 tỷ đồng là giá trị hàng phạm pháp là có cơ sở nên kháng cáo của công ty không được chấp nhận.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Âu Châu đã bán 91 chiếc xe trên cho các khách hàng có địa chỉ tại 22 tỉnh thành trên toàn quốc với giá trị hóa đơn xuất bán là hơn 206 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Ô tô Âu Châu tiền thân là Công ty cổ phần Ô tô Tín Đại, được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 29/11/2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp.

Ngày 15/11/2013, Tập đoàn Sime Darby Malaysia mua lại và sở hữu 99% vốn điều lệ Công ty Âu Châu, thông qua 2 công ty con là Công ty Europe Automobiles Corporation Holdings, Singapore và Công ty Sime Singapore Limited. 1% vốn điều lệ còn lại do bà Chu Đặng Ngọc Trinh sở hữu.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Âu Châu đã nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, và ngày 30/12/2015, công ty này thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 16, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc công ty.

Công ty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các loại xe ô tô, mô tô do công ty được phép thực hiện phân phối.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục