Vụ án PVP Land và cơ chế trách nhiệm cá nhân

(ĐTCK) Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản tại CTCP PVP Land đã khép lại ở giai đoạn sơ thẩm. Hội đồng xét xử cũng giải đáp hàng loạt vấn đề về mất vốn Nhà nước và trách nhiệm cá nhân trong bản án tuyên sáng 5/2/2018.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói lời sau cùng tại tòa hôm 3/2. Ảnh: TTXVN Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói lời sau cùng tại tòa hôm 3/2. Ảnh: TTXVN

8 bị cáo, trong đó có 3 bị cáo gồm Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh nguyên là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị quy kết có hành vi chuyển nhượng cổ phần với mức giá thấp cho Công ty Minh Ngân do bị cáo Lê Hòa Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trên thực tế, các bị cáo đã chiếm hưởng và chia nhau 49 tỷ đồng. Với hành vi này, các bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 13 năm đến tù chung thân về tội tham ô tài sản.

Vụ án xảy ra 7 năm trước, hậu quả đã được khắc phục toàn bộ, nhưng câu chuyện trách nhiệm quản trị doanh nghiệp vẫn nóng hổi.

Theo quyết định thành lập, CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) có 4 cổ đông sáng lập; trong đó, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị (doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) nắm 14 triệu cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ.

PVP Land sở hữu 12,12 triệu cổ phần (chiếm 50,5%) cổ phần tại Công ty cổ phần Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương – chủ đầu tư Dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2010, Đào Duy Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land và Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng giám đốc PVP Land được cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.

Trong hơn 14 ngày diễn ra phiên xét xử, nhiều luật sư đã đặt vấn đề cần phải xác định rõ vốn Nhà nước bị chiếm đoạt. Một số ý kiến luật sư cho rằng, PVC có 87,87% vốn điều lệ của PVN, PVP Land có 28% vốn điều lệ của PVC, phần vốn Nhà nước trong PVP Land nhỏ hơn 50% vốn điều lệ.

Các luật sư cũng dẫn chứng Báo cáo tham luận của Tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 2009 và triển khai công tác năm 2010 để cho rằng các bị cáo không phạm tội tham ô tài sản.

Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nhận định, tài liệu trên chỉ là bản tham luận và cho tới thời điểm hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nêu về vấn đề trên. Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội tại tòa cũng khẳng định: Các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý cho dù trong đó chỉ có 1% vốn Nhà nước cũng là tham ô tài sản.

Có luật sư còn cho rằng, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần đều xin ý kiến của Hội đồng quản trị PVP Land và PVC.

Các bị cáo cũng cho rằng mình hoạt động theo chế độ tập thể và biểu quyết theo đa số nên không thể quy kết vai trò cá nhân với các bị cáo. Nhưng, Hội đồng xét xử nhấn mạnh, các bị cáo đã che giấu các thành viên khác của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng cổ phần với mức giá thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế, mà bản chất là chuyển nhượng Dự án Nam Đàn Plaza để chiếm đoạt tiền chênh lệch giá (với mức giá tương đương 34 triệu đồng/m2 vênh so với giá thực 52 triệu đồng/m2).

Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng cá nhân 14 tỷ đồng, Đào Duy Phong 8 tỷ đồng và Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng. Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm cá nhân là có cơ sở.

Tòa án cũng nhận định, các bị cáo phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thương vụ chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần của PVP Land. Bởi lẽ, bị cáo Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh ngoài vai trò là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land còn là người quản lý doanh nghiệp.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC đã chỉ đạo Phong, Sinh để PVP Land thoái vốn tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương. Ngoài vai trò là người quản lý gián tiếp đối với phần tài sản của PVC tại PVP Land thì Trịnh Xuân Thanh còn có vai trò đồng phạm là người chỉ đạo Phong, Sinh trong việc chuyển nhượng toàn bộ phần tài sản của PVP Land nên phải chịu trách nhiệm chung.

Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo đã lợi dụng cơ chế chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước để chiếm đoạt tiền thông qua việc chuyển nhượng cổ phần giá thấp. Hành vi này gây thất thoát cho doanh nghiệp là PVP Land, trong đó có tài sản Nhà nước.

Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ giữa các cá nhân trong doanh nghiệp nhà nước với cá nhân tại doanh nghiệp bên ngoài, nhằm tạo ra công đoạn mua bán tưởng như là hợp pháp bằng cách hạ giá chuyển nhượng rất thấp nhưng vẫn có lãi, trong khi giá thực tế rất cao để chiếm hưởng cá nhân.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục