Viện Kiểm sát: Có căn cứ xác định cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng

(ĐTCK) Sáng 11/10, phiên tòa xét xử cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga tiếp tục với phần tranh luận.
Viện Kiểm sát: Có căn cứ xác định cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, cho đến nay, Dự án B5 Cầu Diễn vẫn chưa được cấp phép xây dựng, số tiền chiếm đoạt của khách hàng, các bị cáo chi tiêu hết.

Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư muốn huy động vốn từ khách hàng thì phải có quy hoạch chi tiết, được cấp phép xây dựng và đã xây xong phần móng. Như vậy, Dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng bị cáo Nga đã huy động vốn trái phép.

Trong các cuộc họp giao ban, bị cáo Châu Thị Thu Nga dự án đang xin phép nhưng đã chỉ đạo các bị cáo khác đăng tải thông tin Housing Group là chủ đầu tư và xây dựng mô hình dự án, thi công cọc khoan nhồi để thể hiện công ty đang triển khai dự án.

Theo đại diện VKSND, bị cáo Nga còn yêu cầu nhân viên lập các hợp đồng, thỏa thuận vay vốn có nội dung không đúng quy định như Housing Group là chủ dự án, thiết kế tòa nhà đã được phê duyệt, có một số căn thương mại được bán...

Đối với 9 bị cáo còn lại, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố vai trò đồng phạm với Châu Thị Thu Nga. Chẳng hạn với bị cáo Lê Hồng Cương (cựu Phó tổng giám đốc Housing Group), Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Cương thực hiện các hành vi theo chỉ đạo của Nga như ký hợp đồng tiếp nhận mô hình, ký hợp đồng thi công cọc khoan nhồi mà cọc này sử dụng tiền của công ty, kể cả cọc khoan nhồi đại trà và cọc khoan nhồi thí nghiệm.

Tiền thu vào trái pháp luật nên việc sử dụng số tiền trái pháp luật. Do đó, Viện kiểm sát xác nhận Cương giúp sức Nga chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phiếu thu cũng thể hiện các khoản tiền thu về để xây dựng dự án B5 Cầu Diễn. Khi khách hàng đến mua nhà, nhân viên Housing Group đều cho xem mô hình, thiết kế tòa nhà chưa được phê duyệt…

“Căn cứ vào các tài liệu nêu trên, Viện Kiểm sát cho rằng, đó là hành vi gian dối, bị cáo Nga và các bị cáo khác chưa được phép huy động vốn ký 752 hợp đồng, thu hơn 377 tỷ đồng, đã trả hơn 28 tỷ đồng. Hiện còn chiếm đoạt là hơn 348 tỷ đồng” đại diện VKSND nói.

Việc chưa lấy lời khai hết các bị hại, Viện kiểm sát nói cơ quan điều tra Bộ Công an đã đăng thông tin trên báo đài nhưng một số bị hại không đến. Tài liệu hồ sơ đủ căn cứ xác định các đồng phạm với Nga chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng.

Về việc bồi thường, cơ quan công tố nói theo quy định của pháp luật, người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt. Do đó, bị cáo Nga buộc phải bồi thường gần 400 tỷ đồng cho bị hại.

Luật sư: Quan điểm Viện Kiểm sát chưa thuyết phục

Trước quan điểm của Viện Kiểm sát, luật sư Hoàng Văn Hướng, người bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga cho rằng, không thể buộc thân chủ của ông chiếm đoạt 348 tỷ đồng vì trong các khoản chi, có các khoản chi hợp pháp như đầu tư hạng mục dự án, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, thưởng lễ Tết cho nhân viên…

Theo luật sư Hướng, việc hàng trăm người không lấy được lời khai để đánh giá chứng cứ là không khách quan.

“Nếu chỉ cần thu thập phiếu thu, hợp đồng để buộc tội thân chủ tôi thì chúng tôi không cần có mặt ở đây”, luật sư Hướng nói.

Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, nếu đã tách khoản chi 157 tỷ đồng để điều tra trong giải đoạn 2 vụ án thì phải rút số tiền cáo buộc các bị cáo chiếm đoạt. Ông Hướng cũng cho rằng, quan điểm của Viện Kiểm sát chưa thuyết phục.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng, bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Cương cho rằng, ông Cương chỉ ký thanh lý mô hình khi mô hình đã được đưa về công ty 1 tháng 2 ngày. Ông Cương không phải là người tiếp nhận mô hình mà chỉ ký biên bản để 2 công ty tiến hành thanh lý hợp đồng.

Việc ông Cương có ký biên bản hay không, không ảnh hưởng đến các vấn đề trọng yếu của vụ án như Công ty đã huy động vốn của khách hàng từ 2008, 2009 chứ không phải huy động từ 30/12/2010 – khi ông Cương ký biên bản.

Đối với việc ký cọc khoan nhồi, có 3 cọc thí nghiệm pháp luật không cấm, do đó không thể quy kết bị cáo Cương đối với 3 cọc thí nghiệm này.

Với 17 cọc khoan nhồi đại trà, theo luật sư Hồng rất nhiều khách hàng đều khai tại cơ quan điều tra là họ không nhìn thấy cọc, “bên ngoài dự án quây tôn, bên trong là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm”. thậm chí hôm nay tại tòa cũng có 1 khách hàng nói họ đến Dự án 3 lần, tìm cách vào được bên trong Dự án nhưng cũng không thấy cọc khoan nhồi.

“Vậy căn cứ vào đâu để Viện kiểm sát quy kết thân chủ tôi phạm tội với vai trò đồng phạm vì những việc làm đã nêu trên? Tôi cho rằng, việc có khoan cọc hay không không thể ảnh hưởng quyết định ký kết hợp đồng của khác hàng”, luật sư Hồng đặt vấn đề.

Trong vụ án này, bị cáo Cương cũng như tất cả các bị cáo khách đều là những người làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo của lãnh đạo, không nhằm mục đích trục lợi và thực tế là không hưởng lợi. Do đó luật sư đề nghị Viện Kiểm sát xem lại có đồng phạm hay không.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục