Từ vụ án Đinh Ngọc Hệ: Hệ lụy từ việc góp vốn ảo

(ĐTCK) Theo quy định pháp luật, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua mới được công nhận tư cách cổ đông. Tuy nhiên, trên thực thế, tình trạng cổ đông sáng lập không góp đủ vốn vẫn diễn ra. Sai phạm này khiến môi trường đầu tư - kinh doanh không minh bạch, dễ dẫn đến tranh chấp...

Vụ việc điển hình mới đây nhất là vụ án Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm. Theo cáo trạng, vào năm 2009, khi Tổng công ty Thái Sơn
(Bộ Quốc phòng) có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, Đinh Ngọc Hệ - Phó trưởng Phòng Kinh doanh đã đề xuất thành lập pháp nhân mới là công ty cổ phần do Tổng công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập theo mô hình công ty mẹ - con.

Tháng 9/2009, CTCP Phát triển đầu tư Thái Sơn B.Q.P được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tổng công ty Thái Sơn góp vốn 51%, nhưng được các cổ đông cho nợ, khi công ty kinh doanh có lãi thì dùng lợi nhuận được chia để góp vốn. Hai cá nhân khác có liên quan đến bị cáo Đinh Ngọc Hệ góp 49%.

Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn, nhưng vốn kinh doanh của Công ty Thái Sơn B.Q.P là của tư nhân, mọi hoạt động điều hành đều do bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo, Tổng công ty Thái Sơn không góp vốn.

Một vụ việc khác là trường hợp bị cáo Phan Thúy Mai thành lập Công ty An Phát (chủ đầu tư dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân) và cam kết góp vốn với tỷ lệ 60%. Sau này, Công ty An Phát đã ký các hợp đồng hợp tác với một số doanh nghiệp, tiền thu được từ việc hợp tác, bị cáo Mai cho hạch toán vào vốn góp của cá nhân mình. Đáng chú ý, bị cáo này đã 2 lần rao bán cổ phần khi chưa hề góp vốn, trong đó một cá nhân đã chi 33 tỷ đồng để mua 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát.

Theo Điều 112 - Luật Doanh nghiệp, khi đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Cũng theo Luật Doanh nghiệp, nếu cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không phải là cổ đông của doanh nghiệp và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Cổ đông thanh toán đến đâu sẽ được ghi nhận quyền sở hữu cổ phần tương ứng. Doanh nghiệp sẽ phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và thay đổi cổ đông sáng lập nếu có cổ đông không góp đủ. Chỉ những cổ đông đã thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần mới được thực hiện các quyền cổ đông như biểu quyết, nhận cổ tức, chuyển nhượng cổ phần...

Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp cổ đông không góp đủ vốn, hoặc không góp vốn không hiếm. Điều đáng nói là các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần.

Với định hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hậu kiểm đối với vấn đề góp vốn đăng ký. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan này chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP, mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ. Biện pháp khắc phục là buộc doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các cổ đông theo đúng số tiền thực góp.       

Trong các ngày 30-31/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã mở phiên tòa xét xử Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước khi bị bắt, bị cáo Hệ là Thượng tá, giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.

Bản cáo trạng số 164/Ct-VKSTW-P1 quy kết 3 hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Thứ nhất là hành vi giao xe quân sự, xe biển xanh 80A cho nhiều đối tượng ngoài xã hội sử dụng vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng xe trong các đơn vị của Bộ Quốc Phòng. Bị cáo Hệ đã sử dụng pháp nhân là CTCP Phát triển đầu tư Thái Sơn (sau đổi tên thành CTCP Phát triển và đầu tư Thái Sơn B.Q.P) để đề nghị các cơ quan chức năng cho mua, đăng ký biển quân sự và được miễn 3,1 tỷ đồng thuế trước bạ. Có 29/38 xe quân sự, xe biển xanh được thế chấp cho hàng loạt ngân hàng gồm MB, BIDV, VP Bank, LienVietPostBank và PGBank. Một số xe được đem cho thuê thu được hơn 6 tỷ đồng.

Thứ hai là hành vi làm giả văn bản, hợp đồng khống nhận hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng tại Cửa hàng Xăng dầu Thái Sơn (tại Bình Dương) là của đơn vị quân đội gửi nhằm tránh bị xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng.

Thứ ba là trong quá trình công tác, bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn sử dụng bằng giả Đại học Kinh tế Quốc dân để được nâng lương, thăng quân hàm.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục