Thủ quỹ lừa đảo, Quỹ tín dụng nhân dân Phú Túc (Hà Nội) phải trả 400 triệu đồng cho khách hàng

(ĐTCK) Ngày 14/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Qũy tín dụng nhân dân Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nay là Hà Nội) do có kháng cáo của bị hại và người liên quan.
Bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Trước đó, vào tháng 3/2019, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Phạm Thị Toan (SN 1978, thủ quỹ) mức án 19 năm tù. Tòa án cũng tuyên buộc bị cáo trả tiền cho các bị hại. Đối với trường hợp ông Trần Văn Chín (khách hàng gửi tiền), qũy tín dụng phải trả lại số tiền 400 triệu đồng.

Sau đó, các bị hại đồng loạt kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, đồng thời phải xem xét trách nhiệm của một số cán bộ quỹ tín dụng. Qũy tín dụng cũng kháng án không chấp nhận trả tiền cho khách hàng và đề nghị tòa án xem xét con dấu và chữ ký của giám đốc quỹ thời điểm đó.

Quá trình xét hỏi làm rõ, từ năm 1995-2016, bị cáo Toan giữ chức thủ quỹ, có nhiệm vụ cất giữ, bảo quản tiền mặt, tài sản, giấy tờ có giá, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp tại quỹ. Lợi dụng vị trí được giao, từ năm 2015-2016, bị cáo chiếm đoạt tiền của 6 cá nhân, khách hàng.

Cụ thể, vào cuối tháng 3/2015, kế toán để lại phôi sổ tiết kiệm và nhờ Toan làm thủ tục khi khách đến gửi tiền tiết kiệm. Ông Trần Văn Chín đến gửi tiết kiệm số tiền 400 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng. Do giám đốc quỹ đã ký, đóng dấu trước vào phôi sổ tiết kiệm, nên Toan nảy sinh việc chiếm đoạt tiền.

Sau khi nhận tiền, Toan đưa thẻ lưu sổ tiết kiệm (chưa điền nội dung) để ông Chín ký và phát hành sổ tiết kiệm dưới tên ông Chín. Khi khách hàng ra về, Toan ghi thông tin sai lệch vào thẻ lưu sổ tiết kiệm có số seri khác với tên người gửi là Vần, số tiền gửi 500.000 đồng, đồng thời giả chữ ký “Vần” vào mục người gửi nhằm bỏ ngoài sổ sách số tiền 399,5 triệu đồng. 

Đến tháng 3/2017, ông Chín đến rút toàn bộ tiền gốc thì cán bộ quỹ kiểm tra và phát hiện tên khách hàng gửi và số tiền gửi không trùng khớp. Công an vào cuộc và làm rõ hành vi chiếm đoạt của Nguyễn Thị Toan.

Ngoài hành vi trên, bị cáo còn tự ý đem giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất của một số khách hàng thế chấp tại quỹ để “làm tin” vay số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Khi không có khả năng trả lãi, trả nợ, đến tháng 6/2017, Toan bỏ trốn vào tỉnh Đắk Lắk. Đầu năm 2018, bị cáo ra đầu thú tại cơ quan công an.

Bị truy tố chiếm đoạt số tiền lớn, bị cáo khai nhận sử dụng số tiền trên để chi tiêu cá nhân khiến HĐXX nghi ngại. Có bị hại “tố” bị cáo chi tiền cho con đi du học, đầu tư dự án cao su…

Tại tòa, đại diện quỹ tín dụng thừa nhận có buông lỏng quản lý, nhưng yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền cho quỹ, rồi quỹ sẽ thanh toán trả lại cho khách hàng. HĐXX giải thích, quỹ tín dụng được thành lập hợp pháp. Khách hàng chỉ biết gửi tiền vào quỹ tín dụng thì quỹ phải có trách nhiệm quản lý. Sau một hồi, quỹ tín dụng đã rút toàn bộ kháng cáo.

Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm nhận thấy không có tình tiết mới nên không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị hại.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục