Phúc thẩm vụ siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng: Y án sơ thẩm

(ĐTCK) Tòa cấp phúc thẩm đã quyết định y án sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng của 5 công ty.
Phúc thẩm vụ siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng: Y án sơ thẩm

Sau 3 ngày xét xử, sáng 30/5, HĐXX phúc thẩm đã uyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), không chấp nhận kháng cáo của 4 công ty kháng cáo gồm CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, CTCK Phương Đông, CTCK Saigonbank-Berjaya, Công ty An Lộc.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh Vietinbank TP.HCM) không kháng cáo nên phần nội dung về Huyền Như trong bản án sơ thẩm đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Như vậy, tổng hợp hình phạt ở cả 2 bản án, Huyền Như phải thi hành mức án chung thân.

Đối với kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuấn cho rằng, hành vi của bị cáo là thứ yếu, không có Tuấn thì hành vi lừa đảo của Huyền Như vẫn diễn ra.

Huyền Như gửi hợp đồng tiền gửi với Công ty Hưng Yên qua email cho bị cáo nhưng bị cáo không trả lời. Hành vi đồng phạm là thứ yếu. Số tiền 10 tỷ đồng Huyền Như chuyển khoản là số tiền góp vốn vào công ty, không phải chuyển cho cá nhân bị cáo Tuấn.

Theo HĐXX, ở giai đoạn trước, bị cáo Tuấn đã bị xét xử về 3 hành vi, hành vi dẫn đến Công ty Hưng Yên bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng đã được tách ra, điều tra lại và bây giờ mới bị xét xử nên không thể coi là một hành vi bị xét xử nhiều lần.

Bị cáo Võ Anh Tuấn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết mới nên không có cơ sở để chấp nhận.

Do đó, HĐXX phúc thẩm đã y án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Võ Anh Tuấn phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giữ nguyên mức án sơ thẩm 7 năm tù giam với bị cáo Tuấn.

Tổng hợp hình phạt từ bản án Huyền Như giai đoạn 1, bị cáo Võ Anh Tuấn phải chấp nhận hình phạt 27 năm tù giam.

Đối với 4 công ty kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm, các công ty này cho rằng, họ không bị lừa mà do Vietinbank sơ hở trong kiểm tra, giám sát nên bị Huyền Như lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Các công ty đã mở tài khoản hợp pháp, ký hợp đồng đồng tiền gửi, ủy thác đầu tư hợp pháp, tiền vào hệ thống Ngân hàng Vietinbank, mất tiền là do vietinbank không giám sát chặt chẽ nhân viên, trách nhiệm bồi thường là của Vietinbank.

HĐXX phúc thẩm thấy rằng, Huyền Như đã có hành vi gian dối ngay từ đầu, tự xưng tên giả, nhận là người của chi nhánh Nhà Bè, đưa thông tin không đúng sự thật về huy động vốn của Vietinbank. Sau khi các công ty chuyển vào tài khoản, Huyền Như đã làm giả chữ ký, con dấu, làm giả hợp đồng... để chiếm đoạt.

Hành vi của Huyền Như thực hiện ngoài ngân hàng, ngay sau khi thỏa thuận về lãi suất ngoài, Huyền Như đã yêu cầu các công ty làm thủ tục mở tài khoản theo hướng dẫn của Như.

Một số công ty không làm thủ tục mở tài khoản trực tiếp mà chuyển giấy tờ cho Như làm. Để thuận tiện chiếm đoạt, Huyền Như đã giả chữ ký để khi tiền chuyển vào có thể ký giả để chuyển tiền đi ngay.

Có công ty Huyền Như ký hợp đồng tại chi nhánh Nhà Bè nhưng lại mở tài khoản để chuyển tiền tại chi nhánh TP.HCM để tiện cho bị cáo rút tiền.

Có công ty cho rằng thủ tục mở tài khoản hợp pháp nhưng thực chất đã bị Như đánh tráo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như thừa nhận hành vi và thừa nhận xác định đúng tội danh, không kháng cáo, do đó phần bản án đã có hiệu lực.

Các công ty kháng cáo là bị hại, đồng thời là nguyên đơn dân sự và người phạm tội là Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường.

Do đó, HĐXX bác kháng cáo của 4 công ty yêu cầu Vietinbank phải trả tiền.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục