Phúc thẩm đại án PVC: Cựu Phó chủ tịch PVC Nguyễn Ngọc Quý xin giảm nhẹ hình phạt vì “vô tình, không cố ý”

(ĐTCK) Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) lúc thì kêu oan, lúc thì xin giảm nhẹ hình phạt. Theo bị cáo, hành vi của bị cáo là vô tình, không cố ý.
Quang cảnh phiên tòa Quang cảnh phiên tòa

“Bị cáo không biết, ký là do vô tình”

Chiều 7/5, HĐXX phúc thẩm xét nội dung kháng cáo của các bị cáo. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý có đơn kháng cáo toàn bộ bản án kêu oan.

Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Nguyễn Ngọc Quý có vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Mặc dù bị cáo biết Hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn ký nghị quyết thông qua nội dung hợp đồng. Từ đó, PVC có căn cứ được nhận tạm ứng. Sau đó, bị cáo tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng này sai mục đích.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế cho Nhà nước, cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo có mức độ, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa cũng đã thừa nhận một phần sai phạm, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, do vậy cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 6 năm tù về tội Cố ý làm trái, về phần dân sự, bị cáo Quý phải bồi thường 7,5 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX phúc thẩm, bị cáo Quý lúc thì kêu oan, lúc lại xin giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý thừa nhận “cũng có tội nhưng vô tình không cố ý”.

Bị cáo Quý cho rằng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, các việc bị cáo không biết, không được hưởng lợi gì. Quá trình công tác, bị cáo được phân công làm công tác Đảng, đoàn thể.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo cũng nêu bố bị cáo từng được tặng thưởng huân chương, bản thân bị cáo đã nhiều tuổi, có 30 năm phục vụ trong quân đội, có nhiều thành tích và xin tòa xem xét.

Về phần khắc phục hậu quả, bị cáo Quý cho biết hiện bị cáo khó khăn, không có đồng nào để khắc phục ngay. Bị cáo sẽ đi thuê nhà ở và bán nhà đang ở để khắc phục hậu quả.

HĐXX đã hỏi bị cáo Vũ Đức Thuận về lời khai không biết của bị cáo Nguyễn Ngọc Quý. Theo bị cáo Vũ Đức Thuận, thì mọi việc tại PVC đều phải có tờ trình báo cáo HĐQT. Trường hợp Chủ tịch HĐQT đi vắng, bị cáo Quý là Phó chủ tịch HĐQT vẫn ký thay các quyết định của HĐQT. Tuy nhiên, bị cáo Thuận cũng cho rằng, có thể bị cáo Quý không biết nguồn tiền chi góp vốn, chi cho các công trường là từ nguồn tiền tạm ứng Hợp đồng EPC 33 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vì bị cáo Quý không chuyên về tài chính.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý giải trình thêm, tờ trình của Ban Giám đốc không ghi rõ sử dụng nguồn tiền nào, chỉ ghi nguồn tiền do Ban giám đốc thu xếp.

Nguyên Tổng giám đốc PVC: "Có sai nhưng làm lợi cho PVC"

Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, mặc dù biết Hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ký kết hợp đồng trái quy định để PVC được nhận tạm ứng. Bị cáo Vũ Đức Thuận trực tiếp tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.

Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Cá nhân Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng, cần phải xử lý nghiêm.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, bị cáo đã tác động để gia đình khắc phục hậu quả 800 triệu đồng nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Đức Thuận bị tuyên phạt 7 năm tù giam về tội Cố ý làm trái và 15 năm tù giam về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là 22 năm.

Đơn kháng cáo của bị cáo Vũ Đức Thuận xin giảm nhẹ hình phạt ở 2 tội cả về phần hình sự và dân sự. Theo bị cáo, bản án sơ thẩm tuyên với bị cáo rất nặng.

Trả lời HĐXX, bị cáo thừa nhận có ký hợp đồng EPC số 33 và biết hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý, không có điều 14 về thanh toán, không có phụ lục, không có thiết kế kỹ thuật… Bị cáo cũng tham gia vào việc sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng.

Sở dĩ biết hợp đồng chưa đủ điều kiện mà vẫn ký là vì bị cáo là người đại diện theo pháp luật, HĐQT giao cho ký hợp đồng. Ngoài ra, lúc đó PVC khó khăn, có hơn 1.000 nhân viên. Ký hợp đồng thì sẽ tạo điều kiện có việc làm trong mấy năm.

Bị cáo thừa nhận có ký đề nghị tạm ứng 6% giá trị tạm tính và tham gia sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng tiền tạm ứng. Vì lúc đó, tình hình tài chính của PVC tương đối khó khăn, đang nợ ngân hàng, khoảng 800 tỷ đồng, đã đến hạn trả nợ.

Theo trình bày của nguyên Tổng giám đốc PVC, bị cáo nhận thức tạm ứng là sai nhưng việc sử dụng như vậy đem lại lợi ích cho PVC, bị cáo không được hưởng lợi gì. Mà PVN là một cổ đông lớn của PVC nên cũng được hưởng lợi.

Bị cáo Thuận cho biết đã nộp thêm 375 triệu đồng khắc phục hậu quả và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ để bị cáo sớm được trở về với xã hội, còn bố mẹ già, con nhỏ, phiên tòa sơ thẩm chưa sử dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Bùi Trang – Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục