Phiên xử ông Danh quay lại phần xét hỏi về nguồn tiền 4.500 tỷ

Nhằm làm rõ căn cứ truy tố các bị cáo, nguồn tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB, tòa quay lại xét hỏi bổ sung.
Ông Danh đề nghị tòa ghi nhận khoản 4.500 tỷ đồng khắc phục thiệt hại. Ảnh: Tiến Thành. Ông Danh đề nghị tòa ghi nhận khoản 4.500 tỷ đồng khắc phục thiệt hại. Ảnh: Tiến Thành.

Sáng 1/2, sau hai ngày tạm nghỉ ở phần đối đáp giữa VKS và các luật sư, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (Cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục làm việc.

HĐXX chấp nhận đề nghị của luật sư, quay lại xét hỏi bổ sung đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng CB (trước đây là VNCB) và Công ty kiểm toán EY, nhằm làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ.

Luật sư Hà Hải, Trương Quốc Hòe và Trần Minh Hải (bào chữa cho ông Danh) đặt nhiều câu hỏi với đại diện công ty kiểm toán. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Tuấn (đại diện EY) cho biết "không thể trả lời ngay".

Đơn vị có hai người liên quan đến báo cáo kiểm toán CBBank nhưng đã nghỉ việc, ông chỉ ghi nhận các ý kiến, câu hỏi của tòa để về trình ban lãnh đạo.

Không đồng tình, các luật sư của ông Danh đề nghị HĐXX loại bỏ tư cách đại diện công ty kiểm toán đối với ông Tuấn, do "không hiểu gì về nghiệp vụ ngân hàng, sẽ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án".

Trong khi đó, đại diện CB khẳng định, các số liệu báo cáo tài chính của VNCB năm 2014 (liên quan đến vụ án) đều được giữ nguyên hiện trạng. Việc báo cáo kiểm toán có ghi "giảm vốn 4.500 tỷ đồng", phía CB không trả lời vì "thuộc nhiệm vụ của công ty kiểm toán". 

Liên quan việc BIDV giải ngân cho Công ty Phong Hiệp (của ông Danh) vay 430 tỷ đồng, ông Hồ Quang Bình (đại diện NHNN) cho biết, VNCB bảo lãnh cho công ty này vay vốn, hay BIDV cho vay, đều không vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. Bởi Công ty Phong Hiệp là pháp nhân riêng biệt, không phải cá nhân ông Trần Hiệp (Giám đốc công ty).

Tại nghị quyết HĐQT của VNCB về việc bảo lãnh cho Công ty Phong Hiệp cũng không có điều khoản bắt buộc công ty này phải có tài sản đảm bảo.

Kết thúc phiên làm việc sáng nay, HĐXX cho rằng, quan điểm đối đáp của VKS chắc chắn không làm hài lòng các luật sư nhưng việc tranh luận đã được thực hiện đến vòng thứ ba và không phát sinh thêm vấn đề mới. Do đó, tòa quyết định kết thúc phần tranh luận, các luật sư còn ý kiến thì gửi văn bản cho HĐXX xem xét. 

Trước khi nghị án, chiều nay, các bị cáo sẽ nói lời sau cùng.

Rắc rối xung quanh 4.500 tỷ đồng

Trong buổi tranh luận hồi đầu tuần, ông Danh khẳng định nếu bản thân bị quy kết sai phạm thì 4.500 tỷ đồng là tiền sai phạm, là vật chứng, nên phải dùng để khắc phục hậu quả.

Mặt khác, theo báo cáo kiểm toán, Ngân hàng CB thời điểm năm 2014 có trên 7.900 tỷ đồng tiền mặt, nên không phải ông sử dụng hết số tiền đó. "Bị cáo mong HĐXX làm rõ sự thật", cựu Chủ tịch VNCB nói. 

Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) cũng đề nghị tòa xem xét 4.500 tỷ có còn hay không ở mốc thời gian 31/5-21/6/2014 - thời điểm bị cáo bị khởi tố; thu hồi khoản tiền này để khắc phục thiệt hại như ý kiến của ông Danh.

Các bị cáo nguyên là cán bộ của VNCB cũng cho rằng, những báo cáo của Ngân hàng CB liên quan số tiền là "sai, không đúng bản chất" vụ án. Chứng cứ xác định 4.500 tỷ sử dụng như thế nào trong báo cáo CB vẫn còn nhập nhằng, dẫn đến lầm tưởng.

Về vấn đề này, VKS giữ nguyên quan điểm "không phải là tang vật của vụ án nên không thu hồi". Đây là quan hệ giữa ông Danh và VNCB nên ông Danh có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự.

Đề nghị thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ ba ngân hàng

Cơ quan công tố đề nghị HĐXX thu hồi số tiền hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại từ Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank mà ông Danh đã dùng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay. 

Đối đáp lại quan điểm của VKS, các luật sư bảo vệ cho ba ngân hàng đồng loạt không chấp nhận, cho rằng đề nghị của VKS là không có cơ sở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, trong giai đoạn tham gia tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… ông Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

Do những công ty này không hoạt động kinh doanh, ông Danh cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB. Nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra.

Ngoài ra, trong thời gian điều hành VNCB, ông Danh và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng của nhà băng này. Vụ việc được đưa ra xét xử trong giai đoạn đầu của vụ án.

Năm ngoái ông bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù, buộc cùng người liên đới bồi thường số tiền thất thoát.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục