Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục ra tòa vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hai trong ba cựu lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP.HCM không đến tòa theo lệnh triệu tập do "đang ở Mỹ" và "đã nhập viện cấp cứu".
Huyền Như vẻ rất thoải mái tại tòa. Ảnh: Hải Duyên. Huyền Như vẻ rất thoải mái tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.

Sáng 8/2, Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank - Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè, cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) được đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vẻ ngoài thay đổi khá nhiều so với lần hầu tòa 3 năm trước, Huyền Như không biểu lộ cảm xúc.

Phiên tòa do thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt (Phó Tòa hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa. Bào chữa cho bị cáo Như có luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thy, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP HCM) bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn...

Ngoài ra còn có gần chục luật sư bảo vệ cho các đương sự, riêng Vietinbank có tới bốn luật sư bảo vệ.

Luật sư yêu cầu triệu tập nguyên giám đốc và phó giám đốc VietinBank

Tòa triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM), ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP HCM) với tư cách là người làm chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan đến hành vi phạm tội của Như. Tuy nhiên, chỉ ông Hoàng có mặt.

Bà Hương xin vắng mặt với lý do "đang cấp cứu" tại Bệnh viện Sư Vạn Hạnh.

Còn ông Sẽ hiện không có mặt tại nơi cư trú. Tòa cho biết "theo thông tin của người nhà, ông Sẽ đang làm thủ tục nhập cư tại Mỹ".

Năm nguyên đơn dân sự gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc đều có người đại diện tham gia phiên tòa.

Trong phần thủ tục, luật sư Hồ Quốc Tuấn (bảo vệ cho Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông) đề nghị HĐXX triệu tập bằng được các cựu lãnh đạo ngân hàng Vietinbank có liên quan vụ án.

Tuy nhiên, sau khi hội ý nhanh, HĐXX cho biết "ông Sẽ đang ở Mỹ, bà Hương đang bệnh nặng nên không thể triệu tập".

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2009-2012, để có tiền trả nợ lãi xuất cao do thua lỗ trong việc đầu tư chứng khoán và bất động sản, Như lấy danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ gặp gỡ nhiều tổ chức cá nhân huy động tiền gửi cho Vietinbank rồi chiếm đoạt.

Như bỏ tiền cá nhân để trả tiền lãi ngoài hợp đồng, phí môi giới để dẫn dụ nhiều cá nhân, đơn vị gửi tiền. Khi họ chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân.

Tổng cộng, Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 công ty có tài khoản mở hợp lệ được lãnh đạo của Vietinbank ký duyệt bị chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng. 

Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục ra tòa vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 1

Như ngồi chờ HĐXX hội ý, ánh mắt vô hồn. Ảnh: Hải Duyên

5 công ty bị chiếm đoạn hơn 1.000 tỷ như thế nào?

Tháng 5/2011, qua giới thiệu của Nguyễn Thị Nga (nhân viên một ngân hàng khác, cộng tác viên của Công ty Hưng Yên), Như biết một số công ty ở Hà Nội muốn gửi tiền nên rủ Võ Anh Tuấn ra Hà Nội gặp họ.

Gặp đại diện Công ty Hưng Yên, Huyền Như giới thiệu tên là Quyên, nhân viên của Võ Anh Tuấn, đang có nhu cầu huy động vốn cho Vietinbank Nhà Bè. Chị ta chủ động liên hệ với Nga thỏa thuận về số tiền gửi, lãi suất 18- 22% mỗi năm.

Như sau đó làm giả 8 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với Công ty Hưng Yên. Chị ta ký giả chữ ký Hà Tuấn Anh (giám đốc) và Võ Anh Tuấn để huy động của công ty này 537 tỷ đồng.

Sau khi công ty chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Huyền Như làm giả 14 lệnh chi, chữ ký ông Tạ Duy Hùng (Giám đốc Công ty Hưng Yên) trên các lệnh chi đó để chuyển 537 tỷ đồng đến tài khoản Như lập ra, hoặc mượn. Hiện, Như đã trả cho công ty này được hơn 336 tỷ.

Tương tự, Như đã chiếm đoạt hơn 170 tỷ của Công ty An Lộc; 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông; gần 125 tỷ của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và gần 210 tỷ của Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS).

Ai sẽ bồi thường cho 5 công ty?

Năm 2015, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Huyền Như án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo của 5 công ty tuyên hủy một phần bản án của TAND TP HCM trước đó, yêu cầu điều tra xét xử lại nhằm làm rõ hành vi Tham ô tài sản của Như (chứ không phải lừa đảo) và vai trò của Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty này.

Theo TAND Tối cao, cấp sơ thẩm cần xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank trong vụ án. Việc buộc Huyền Như có trách nhiệm trả số tiền chiếm đoạt cho những công ty này là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các công ty.

Ngoài ra, TAND Tối cao cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP HCM gồm ông Nguyễn Văn Sẽ, Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương do liên quan việc để Như chiếm đoạt tiền của những công ty này.

Sau hai năm điều tra lại, VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - tức Vietinbank không có trách nhiệm trả nợ cho 5 công ty này.

Quá trình điều tra lại, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (hiện là Ngân hàng TMCP Nam Việt) về tộiCố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Họ bị cáo buộc đã để nhân viên đứng tên gửi 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank thông qua Như và để cô ta chiếm đoạt 200 tỷ.

Trong thời gian thụ lý, nghiên cứu vụ án TAND TP HCM đã đề nghị cơ quan điều tra tách hành vi của 10 người này để xử lý riêng vì độc lập với vụ án Huyền Như.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục