Hủy án vụ “tiến sỹ dạy học làm giàu” để điều tra lại

(ĐTCK) Các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, việc điều tra có nhiều vi phạm, điều tra chưa đầy đủ, chưa làm rõ số lượng bị hại, số tiền thiệt hại.
Bị cáo Hải tại tòa. Bị cáo Hải tại tòa.

Sau 2 ngày xét xử, chiều 10/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm vụ án Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, tiến sỹ vật lý, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra lại, tránh bỏ lọt tội phạm.

Trước đó, năm 2018, cấp sơ thẩm – TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Hải mức án chung thân. Sau đó, bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng việc điều tra không đầy đủ. Một số bị hại kháng cáo vì cho rằng không thiệt hại, có người kháng cáo vì cho rằng bỏ lọt tội phạm.

Hai pháp nhân là CTCP Reenco Hòa Bình và CTCP Đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế IDMA cũng kháng cáo về quyết định dân sự. Với lý do là bản án sơ thẩm đã tuyên tiếp tục phong tỏa số tiền Hải đã góp vốn vào hai doanh nghiệp này (gần 40 tỷ đồng) là không có căn cứ.

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, việc điều tra có nhiều vi phạm, điều tra chưa đầy đủ, chưa làm rõ số lượng bị hại, số tiền thiệt hại.

HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, năm 2007, bị cáo Hải thành lập Công ty IDT. Đến năm 2008, bị cáo bắt đầu huy động vốn khách hàng bằng hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn đầu tư… Tùy theo khách hàng, bị cáo đưa ra các gói huy động và thời hạn khác nhau với lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.

Từ năm 2014-2015, bị cáo huy động số tiền hơn 2.700 tỷ đồng của 2.574 người với tổng số 8.303 hợp đồng.

Trong đó, tòa án sơ thẩm xác định có 508 người có đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi số tiền 594 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Tòa án xác định những người này là bị hại của vụ án. Số còn lại do họ không hợp tác nên tòa án không đưa họ tham gia tố tụng.

Có 6 người được Phạm Thanh Hải thanh toán quá số tiền theo hợp đồng. Ở cấp sơ thẩm, những người bị hại có mặt đều không có yêu cầu bị cáo trả lại tài sản. Song tòa án sơ thẩm vẫn buộc bị cáo phải hoàn trả tiền cho những người này. HĐXX phúc thẩm nhận địnhquyết định trên trái với nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự.

Mặt khác, hồ sơ vụ án thể hiện có nhiều bản kết luận, số liệu không thống nhất. Vì vậy, cần phải điều tra làm rõ số tiền thiệt hại để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo.

Theo HĐXX, tòa sơ thẩm xác định thông qua trang mạng Học làm giàu, hội thảo, bài viết, bị cáo Hải giới thiệu mình là tiến sỹ có nhiều năm kinh nghiệm để gian dối, chiếm đoạt tiền của các bị hại. Do đó, cần phải giám định tính đúng đắn của những nội dung thông tin này.

Trong vụ án này còn “nổi lên” của vai trò của một số đối tượng khác giúp sức cho Hải huy động vốn, đứng tên cổ đông góp vốn vào các dự án cho Hải. Cần điều tra làm rõ truy cứu trách nhiệm của những người này.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc các cá nhân là ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng công nghệ cao Việt Nam phải hoàn trả cho Hải 30 tỷ đồng, bà Phan Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Khu phức hợp giải trí Khang Thông, Long An 88,2 tỷ đồng nhưng lại không đưa họ vào tham gia tố tụng.

Để giải quyết triệt để, khách quan vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục