Hoãn xét xử vụ cựu giám đốc chiếm đoạt 79 tỷ đồng của ngân hàng

(ĐTCK) Sáng 6/11, Tòa án nhân đân TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Đỗ Xuân Hai và các đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của ngân hàng.
Hoãn xét xử vụ cựu giám đốc chiếm đoạt 79 tỷ đồng của ngân hàng

Quá trình xét xử, nhận thấy có nhiều điểm chưa rõ về phần trách nhiệm của bị cáo Đỗ Quang Bình, Tòa án đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo cáo buộc, bị cáo Đỗ Xuân Hai (SN 1962, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi sử dụng các tài liệu, chứng từ khống thể hiện có đủ số lượng hàng hóa (ngô, sắn) để lập hồ sơ thế chấp, vay tiền từ Ngân hàng Quốc tế (VIB) rồi sau đó chiếm đoạt.

Các bị cáo Nguyễn Trọng Năm (SN 1965, chủ Doanh nghiệp tư nhân Năm Hường), Đỗ Quang Bình (SN 1976, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình) bị cáo buộc đồng phạm với bị cáo Hai trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  

Hai cán bộ Ngân hàng VIB bị truy cứu trách nhiệm theo tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho hành vi của các bị cáo hoàn thành.

Kết quả điều tra xác định, năm 2011, do cần tiền trả nợ và sử dụng vào nhiều mục đích khác, bị cáo Đỗ Xuân Hai đã  đề nghị VIB – chi nhánh Nguyễn Huệ gia tăng hạn mức tín dụng từ 95 tỷ đồng lên 115 tỷ đồng và ký hợp đồng tín dụng. VIB – Nguyễn Huệ đã chấp thuận cho Công ty Đức Hiếu vay vốn và giải ngân qua 62 khế ước nhận nợ, tổng số tiền hơn 219 tỷ đồng.

Công ty Đức Hiếu đã trả được một phần nợ, đến tháng 4/2012 còn dư nợ 109 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán. Công ty Đức Hiếu đã bán tài sản bảo đảm bao gồm hàng hóa trong kho, 3 xe ô tô và 4 bất động sản để trả nợ cho VIB. Đến nay không còn khả năng thanh toán số tiền nợ gốc là hơn 79 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Đỗ Xuân Hai đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ hàng hóa thế chấp thể hiện trên biên bản kiểm kê định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng kinh tế, Hóa đơn, phiếu nhập kho của các công ty, doanh nghiệp và 12 cá nhân để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng.

Tương tự, Doanh nghiệp tư nhân Năm Hường do bị cáo Nguyễn Trọng Năm làm chủ và Công ty TNHH Nam Bình do bị cáo Đỗ Quang  Bình thành lập cũng có hành vi lập khống số liệu thể hiện trên các chứng từ hàng hóa thế chấp như biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, phiếu nhập kho...

Ở hành vi Vi phạm quy định cho vay, cơ quan công tố xác định, Nguyễn Thanh Hiếu, nguyên Giám đốc VIB – Nguyễn Huệ và cấp dưới Mai Ngọc Vinh đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng VIB trong việc thẩm định hàng hóa thế chấp, kiểm tra, định giá tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển.

Các nhân viên của VIB – Nguyễn Huệ còn lập khống Biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản, Biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp để hoàn tất thủ tục giải ngân. Thực chất, các nhân viên đã không tiến hành kiểm kê định giá đúng quy định.

Cơ quan điều tra xác định, bị cáo Đỗ Xuân Hai phải chịu trách nhiệm về hơn 79 tỷ đồng còn chiếm đoạt của VIB, bị cáo Nguyễn Trọng Năm phải chịu trách nhiệm 18,3 tỷ đồng, bị cáo Đỗ Quang Bình phải chịu trách nhiệm 5,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo Đỗ Quang Bình cho rằng con số 5,8 tỷ đồng bị quy kết là chưa chính xác. Được biết, Tại bản cáo trạng số 05 ban hành năm 2016, Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo quy kết cho bị cáo là 5,6 tỷ đồng. Sau khi Tòa án nhân dân Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung, kết quả điều tra bổ sung và bản cáo trạng số 74 ban hành năm 2017  xác định bị cáo Bình phải chịu trách nhiệm số tiền 5,8 tỷ đồng.

Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ vấn đề này cũng như một số vấn đề khác không thể làm rõ tại phiên tòa.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục