Gần 5.000 lõi lọc nước Kangaroo bị làm giả

(ĐTCK) Giám đốc một công ty cổ phần và chủ hai cửa hàng chuyên bán máy lọc nước đã phải hầu tòa vì hành vi làm giả máy lọc nước Kangaroo.
Các bị cáo tại tòa Các bị cáo tại tòa

Sáng 12/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Sản xuất hàng giả. Hai bị cáo gồm Trần Văn Phương (1989, trú tại Thanh Trì, Hà Nội), chủ hai cửa hàng bán thiết bị lọc nước và Đỗ Mạnh Chương (SN 1957, trú tại Đống Đa, Hà Nội).

Theo hồ sơ vụ án, hồi 11h ngày 27/10/2014, tại khu vực Bến xe phía Nam (phường giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tổ công tác thuôc Đội 4 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP. Hà Nội) qua kiểm tra hành chính 2 xe máy Wave – RS đã phát hiện và thu giữ số hàng hóa gồm: 2 thùng catton bên trong chứa 120 lõi lọc nước in nhãn hiệu Kangaroo, điện thoại...

Trên xe máy có Trần Văn Phương và Đinh Quang Hoài (1996) cùng ở huyện Thanh Trì. Qua kiểm tra, số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nên tổ công tác đưa Hoài và Phương về trụ sở để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, Phương khai toàn bộ 120 lõi lọc nước bị thu giữ là của mình. Dù số hàng này gắn mác Kangaroo nhưng không phải do Hãng Kangaroo sản xuất, mà do Phương mua các lõi lọc chưa khắc tên thương hiệu trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê Công ty Cổ phần K2-CNC của Đỗ Mạnh Chương (ở phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, HN) khắc nổi tên thương hiệu Kangaroo để bán kiếm lời.

Khám xét nơi ở của Phương, Chương và tại cửa hàng, cơ quan điều tra thu giữ hơn 300 lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo, hơn 300 lõi lọc nước trơn chưa khắc chữ, 25,8 kg tem dán ghi nhãn hiệu Kangaroo...

Phương và Chương khai nhận có mở hai cửa hàng bán thiết bị lọc nước tại địa chỉ số 137 phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) và số 71 phố Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Thời gian đầu, Phương mua các loại máy lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo và Karofi của các hãng từ các đại lý cấp 1 về bán. Sau thấy việc bán hàng chính hãng lợi nhuận không cao, Phương nảy sinh ý định làm hàng giả bán kiếm lời.

Phương mua các lõi lọc nước “trơn” chưa in nhãn mác với giá 30.000 đồng/chiếc. Qua mạng internet, Phương biết cơ sở sản xuất của Đỗ Mạnh Chương có khả năng in, khắc nhãn hiệu trên các sản phẩm. Phương gặp và thỏa thuận với Chương: Chương nhận in hình và chữ Kangaroo lên thân các lõi lọc nước “trơn” do Phương đem đến với giá tiền công từ 10.000 - 12.000 đồng/chiếc, Chương đồng ý.

Nhận lại các lõi lọc nước được Chương làm giả, Phương mang về dám tem nhãn và đem bán với giá 150.000 – 200.000 đồng/chiếc.

Từ tháng 6/2014 đến ngày 27/10/2014, Phương và Chương làm giả được 4.517 lõi lọc nước Kangaroo, lời được 290 triệu đồng.

Số hàng giả còn lại Phương chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan điều tra phát hiện bắt giữ. Toàn bộ việc nhận, giao lõi lọc nước và thanh toán tiền công đều do Phương và Chương trực tiếp thực hiện. Số tiền công Phương thanh toán trả cho Chương là 40 triệu đồng.

Quá trình điều tra, xác minh CTCP Tập đoàn điện lạnh, điện máy Việt Úc là đơn vị độc quyền sử dụng nhãn hiệu Kangaroo và được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Tổng số lõi và máy lọc nước mà Phương và Chương làm giả có tổng trị giá tương đương như hàng Kangaroo chính hãng bán trên thị trường là 371,2 triệu đồng.

Với hành vi sản xuất hàng giả, Trần Văn Phương bị tuyên phạt 36 tháng tù giam và Đỗ Mạnh Chương bị tuyên phạt 30 tháng tù án treo.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục