FWD kiện đại lý bảo hiểm “tuồn” thông tin khách hàng ra ngoài

(ĐTCK) Đại lý thừa nhận đã chia sẻ thông tin khách hàng cho 5 người bạn thông qua các địa chỉ thư điện tử.
Ảnh Internet Ảnh Internet

TAND TP Hà Nội vừa xem xét đơn kháng cáo của bà Vũ Thị Bích H. đối với bản án tranh chấp hợp đồng dịch vụ Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam. 

Cấp phúc thẩm xác định, bà H. vi phạm hợp đồng đại lý về bảo mật thông tin khách hàng. Do đó, yêu cầu đòi tiền của công ty bảo hiểm là có cơ sở, nên không chấp nhận kháng cáo của bà H. 

Theo bản án sơ thẩm, năm 2017, FWD và bà Vũ Thị Bích H. ký hợp đồng đại lý, bà H giữ vai trò trưởng nhóm. Bà H. sẽ phát triển và hỗ trợ nhóm đại lý trực tiếp của mình, công ty sẽ thanh toán các khoản tiền thù lao tương ứng. Thỏa thuận cũng kèm điều kiện bà H. làm đại lý liên tục và đủ 24 tháng. Nếu không đạt yêu cầu này, bà H. phải hoàn trả lại tiền cho công ty.

Theo đó, bà H. đã nhận từ công ty một chiếc máy tính bảng. Cũng theo thỏa thuận, trường hợp bà H. chấm dứt đại lý bảo hiểm trước 24 tháng thì phải bồi hoàn số tiền 10 triệu đồng - tương đương giá trị chiếc máy tính bảng.

Từ tháng 6-10/2017, ngoài số tiền hoa hồng , bà H. nhận từ công ty số tiền hơn 242 triệu đồng theo chương trình phát triển sự nghiệp cho đại lý.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 8/2017, công ty nhận được nhiều thông tin từ các tư vấn viên tại khu vực TP Hà Nội về việc bà H. có hành vi tiết lộ thông tin khách hàng. Công ty tiến hành hai cuộc họp với bà H. và cấp quản lý trực tiếp của bà H.

Bà H. thừa nhận đã chia sẻ thông tin khách hàng cho 5 người bạn thông qua các địa chỉ thư điện tử.

Rà soát tại máy tính bảng, bà H. gửi 38 bảng minh họa của khách hàng những người này, bao gồm các thông tin nhân thân và người được bảo hiểm.

Cũng tại buổi họp này, bà H. thừa nhận còn chia sẻ mật khẩu và tên truy cập máy tính bảng cho một người bạn thân.

Công ty cho biết, đây là máy tính chuyên dụng được lập trình các phần mềm và cấp riêng cho đại lý để tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Trong đó cũng lưu trữ toàn bộ thông tin cá nhân, đời tư, hồ sơ bệnh án, nghề nghiệp, tình trạng tài chính, thu nhập của toàn bộ khách hàng hiện tại của công ty mà bà H. đã tư vấn và thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm.

Công ty đánh giá đây là hành vi vi phạm đạo đức hành nghề khá nghiêm trọng.

Với các vi phạm trên, công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng đại lý với bà H. vào ngày 5/10/2017. Đồng thời yêu cầu  phía đại lý có nghĩa vụ bồi hoàn lại tất cả các khoản nhận từ công ty với số tiền 252 triệu đồng.

Do bà H. nhiều lần lẩn tránh, không hoàn trả lại tiền nên công ty đã khởi kiện ra tòa án.

Bản án sơ thẩm năm 2018 đã chấp nhận đơn khởi kiện của công ty, buộc đại lý phải thanh toán số tiền trên. Sau phiên tòa trên, bà H. kháng cáo toàn bộ bản án.

Quá trình tố tụng tại cấp phúc thẩm, bà H. thừa nhận đã để cho chị Th – không phải nhân viên công ty, làm trợ lý cho mình sử dụng ID, password sử dụng của bà H, chia sẻ thông tin khách hàng.

Đại lý phản tố đòi bồi thường 2,2 tỷ đồng

Ngay tại phiên tòa sơ thẩm, bà H. có đơn phản tố cho rằng, bà và đại lý ký thỏa thuận về chương trình phát triển sự nghiệp cho đại lý.

Ngoài chính sách công ty, đây là khoản hỗ trợ thêm khi bà xây dựng lại hệ thống kinh doanh mới tại công ty và có quy định về chỉ tiêu. Bà đã lập kế hoạch hợp tác làm việc với vị trí trưởng phòng kinh doanh, phát triển kinh doanh với doanh thu cá nhân, doanh thu phòng kinh doanh.

Với cam kết thỏa thuận trên hợp đồng (ACĐP) thì nếu đạt chỉ tiêu 2,2 tỷ đồng, bà sẽ nhận được số tiền hơn 737 triệu đồng. Sau gần 4 tháng làm việc đến ngày 5/10/2017, bà đã đạt doanh số 787,7 triệu đồng phí bảo hiểm, với 62 hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài số tiền trên, bà cũng nhận được 250 triệu đồng tiền hỗ trợ bồi hoàn thu nhập. Bà H. sử dụng số tiền trên để tổ chức hội thảo, chi phí đi lại, ngoại giao và phát triển.

Bà H. cũng cho rằng, bản minh họa sản phẩm mà bà chia sẻ chỉ có thông tin tên người mua bảo hiểm, ngày sinh, giới tính và các thông tin quyền lợi sản phẩm, không có thông tin như CMT, số điện thoại, địa chỉ vì đều được ẩn đi trong phần mềm. Còn việc tiết lộ thông tin ID và password cho người khác không gây tổn thất cho công ty.

Khi sự việc xảy ra, bà H. đã liên hệ với phòng pháp lý công ty yêu cầu gặp người trực tiếp phụ trách nhưng không có phản hồi cho đến khi nhận được thông báo thụ lý vụ việc của tòa án.

Bà H. tố công ty không minh bạch trong chế độ chính sách, tự quyền xử lý giải quyết không thông qua thỏa thuận với đại lý.

Bà H. cũng cho rằng, công ty căn cứ vào những cáo buộc không đúng để chấm dứt hợp đồng sau đó trực tiếp ký hợp tác với khách hàng. Ngoài ra, công ty còn đưa bà vào danh sách đen của Hiệp hội bảo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, thu nhập của bà.

Với các lý do trên, bà H. yêu cầu công ty phải bồi thường số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Tòa án sơ thẩm cho rằng yêu cầu mới mới phát sinh tại tòa án, liên quan đến việc xem xét các quy định của Hiệp hội bảo hiểm nên không chấp nhận giải quyết trong vụ án này. Bà H. có quyền khởi kiện vụ kiện khác khi có yêu cầu.

Cấp phúc thẩm thì cho rằng, bà H. nhận được thông báo thụ lý vụ án ngày 22/8/2018 nhưng đến ngày 25/10/2018 mới có đơn phản tố (tại phiên tòa sơ thẩm). Theo khoản 3, điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự, bà H. nộp đơn khi đã hết thời hạn phản tố (sau thời điểm phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải).

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục