Dự án B5 Cầu Diễn: Khách hàng muốn nhà, Housing Group muốn tiếp tục dự án

(ĐTCK) Ngày 11/4, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lừa đảo liên quan dự án B5 Cầu Diễn, nhiều khách hàng từng ký hợp đồng góp vốn đã bày tỏ nguyện vọng muốn được nhận nhà.
Dự án B5 Cầu Diễn: Khách hàng muốn nhà, Housing Group muốn tiếp tục dự án

Trong khi đó, đại diện Housing Group khẳng định, doanh nghiệp này đủ khả năng tiếp tục thực hiện dự án.

Trả lời Hội đồng xét xử, ông Lê Sáu, hiện là Tổng giám đốc Housing Group cho biết, có 442 khách hàng đã ký văn bản cam kết cùng đồng hành với Công ty tiếp tục dự án và không có yêu cầu rút vốn.

Ông Lê Sáu cho rằng, nếu Housing Group được tiếp tục dự án B5 Cầu Diễn sẽ góp phần đảm bảo trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan đến dự án của công ty.

Như vậy, quyền lợi của các khách hàng trong dự án B5 Cầu Diễn cũng được bảo đảm. Theo đó, Housing Group đã liên hệ và tìm kiếm được các nhà đầu tư có đủ năng lực, sẵn sàng đầu tư, hợp tác để tiếp tục thực hiện dự án nhằm đảm bảo quyền - lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Housing Group đã có văn bản kiến nghị gửi UBND TP. Hà Nội xin được tiếp tục thực hiện dự án, xin gỡ lệnh kê biên ô đất B5. Vào tháng 1/2018, Thành phố đã chỉ đạo tổ chức cuộc họp liên ngành có mời Công ty tham dự và đề nghị chờ sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc sẽ có cuộc làm việc chính thức khác với Housign Group để giải quyết về các yêu cầu này.

Tại phiên tòa, ông Lê Sáu đề nghị Tòa án có kiến nghị với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan ban hành cho phép Liên danh Housing Group - HAIC tiếp tục được triển khai thực hiện dự án.  

Tương tự, nhiều bị hại có đơn kháng cáo trong vụ án này tiếp tục giữ nguyên nội dung kháng cáo. Theo đó. các bị hại yêu cầu sớm hoàn thiện dự án B5 Cầu Diễn để có nhà trả cho các khách hàng. Nhiều bị hại cho rằng nếu nhận tiền thì sẽ không thể mua nhà, hợp đồng góp vốn với Công ty là để mua nhà chứ không phải cho vay. Các bị hại cho rằng họ đã nộp tiền với đầy đủ giấy tờ; vì vậy, các bị hại đề nghị công ty phải bồi thường toàn bộ bằng nhà cho khách hàng.  

Các bị hại cũng đề nghi Tòa án kiến nghị với cơ quan chức năng cho phép dự án tiếp tục triển khai.

Trước đề nghị này của Housing Group và các bị hại, Hội đồng xét xử nhấn mạnh, đây là thẩm quyền của các cơ quan hành chính. Tòa án chỉ xem xét giải quyết các vấn đề thuộc vụ án này.

Tòa án cũng thẩm vấn đại diện của Công ty cổ phần Licogi 12 - đối tác của Housing Group có đơn kháng cáo. Licogi 12 khẳng định, không đồng tình với quyết định của Tòa cấp sơ thẩm khi buộc công ty trả lại số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Đại diện Licogi 12 cho rằng, công ty ký 3 hợp đồng với Housing Group thi công hạng mục trong dự án B5 Cầu Diễn. Tổng số tiền thực hiện thi công là 13 tỷ đồng, trong khi đó Housing Group mới thanh toán hơn 8 tỷ đồng và hiện còn trên 4 tỷ đồng nữa.

Thỏa thuận hợp đồng là hợp pháp nên phía công ty không đồng ý hoàn trả số tiền này. Toàn bộ số tiền 13 tỷ đồng công ty đã đầu tư vào dự án và Công ty Licogi chỉ đảm bảo khối lượng và chất lượng công trình khi chủ đầu tư thuê. Đây là việc làm minh bạch, toàn bộ việc thanh toán tiền cũng rất minh bạch, phía công ty không chiếm đoạt số tiền đó nên không thể buộc công ty trả lại số tiền đó.

Phía Công ty Licogi 12 cho rằng, chưa có nguồn xác định số tiền thanh toán cho công ty có phải là tiền do các bị hại nộp vào dự án B5 Cầu Diễn hay không. Nhưng nếu công ty phải nộp lại hơn 8 tỷ đồng như bản án sơ thẩm tuyên, thì đó là một sự trừng phạt nên mong HĐXX xem xét có tình có lý.

Sau khi nghe phần trình bày của đại diện phía Công ty Licogi 12, HĐXX giải thích, trong vụ án này, phải giải quyết quyền lợi cho các bị hại trước.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục