Doanh nghiệp kiện ngân hàng do vi phạm quy định xử lý nợ trước hạn

(ĐTCK) Cho rằng ngân hàng đã vi phạm quy định về việc xử lý nợ trước hạn, doanh nghiệp đã khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. 
Doanh nghiệp kiện ngân hàng do vi phạm quy định xử lý nợ trước hạn

Theo Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, để thu hồi nợ trước hạn, ngân hàng phải chứng minh bên vay đã cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hàng hải, đối với tài sản thế chấp là tàu thuyền, việc bắt giữ phải có quyết định của tòa án.

Mới đây, quá trình tố tụng ghi nhận một vụ kiện khi doanh nghiệp khởi kiện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) do vi phạm quy định xử lý nợ trước hạn.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hàng hải Phước Long (Hải Phòng) đã mua tàu Golden Light từ năm 2011 với giá 90 tỷ đồng.

Công ty Phước Long thanh toán trực tiếp 20 tỷ đồng và thế chấp tàu để vay 70 tỷ đồng của MSB. Sau đó, Công ty Phước Long giao tàu cho Công ty cổ phần Vận tải biển và thương mại hàng hải (MST) thuê với giá 500 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 năm đầu.

Việc mua bán tàu đã hoàn tất, nhưng vì nhiều lý do, các bên chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, chưa làm thủ tục đăng ký thế chấp tàu biển, trong đó có nguyên nhân ngân hàng chưa giải chấp tàu từ khách hàng cũ.

Được biết, theo hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp được ân hạn trả nợ 24 tháng. Nguồn tiền trả nợ được trích từ tiền thuê tàu.

Ngày 18/5/2012, Công ty Phước Long giao tàu cho thuê. Tuy nhiên, ba ngày sau (ngày 21/5/2012), Công ty MST đã giao tàu cho ngân hàng. MSB đã bắt giữ tàu mà không thông báo cho chủ tàu và tự ý đem bán cho đơn vị khác. Hiện nay con tàu đã bị phá dỡ.

Bởi vậy, Công ty Phước Long khởi kiện yêu cầu MSB hoàn trả số tiền bằng giá trị tàu là 125 tỷ đồng và liên đới bồi thường tiền thuê tàu từ năm 2012 là 18 tỷ đồng.

Công ty MST cũng được yêu cầu phải liên đới bồi thường các chi phí nhiên liệu để đưa tàu từ cảng Jakarta (Indonesia) về Việt Nam…

Công ty Phước Long đồng ý tất toán khoản vay (cả gốc và lãi) là 79,5 tỷ đồng. Đối trừ khoản nợ thì MSB còn phải thanh toán cho Công ty Phước Long số tiền 45,4 tỷ đồng.

MSB lý giải việc thu hồi trước hạn và thu giữ tài sản là do Công ty Phước Long không thực hiện đúng nghĩa vụ, không hoàn thiện thủ tục sang tên, đăng ký thế chấp.

MSB yêu cầu doanh nghiệp này phải thanh toán dư nợ khoản vay đến ngày 11/6/2019 là 170 tỷ đồng.

MSB cho biết đã bán tàu dưới hình thức chào mua cạnh tranh thông qua Công ty cổ phần Thương mại M-Trading, phương thức là mua đứt bán đoạn, giá trị 26,2 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm đã buộc MSB phải bồi thường 99 tỷ đồng, Công ty MST phải thanh toán 15,1 tỷ đồng cho Công ty Phước Long.

Đồng thời, buộc Công ty Phước Long phải thanh toán cho MSB số tiền 79 tỷ đồng. Sau đó, các bên đã đồng loạt kháng cáo.

Theo tòa án cấp phúc thẩm, lỗi không sang tên chủ tàu là do MSB chưa giải chấp tàu theo hợp đồng với chủ cũ.

Việc ngân hàng thu giữ tàu để thu hồi nợ trước hạn là không đúng, nên không có căn cứ cho rằng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Mặt khác, việc Công ty MST giao tàu cho ngân hàng nhưng không thông báo cho chủ tàu là trái thỏa thuận.

MSB xử lý tàu bằng hình thức chào bán, tự ý thuê đơn vị thẩm định giá, tự ý bán cho đơn vị trả giá mà không thông qua chủ tàu là vi phạm Điều 58 - Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.

Tòa cho rằng, vì MSB vi phạm hợp đồng, tự ý thu giữ, bán và bàn giao tàu nên tàu được coi là tổn thất toàn bộ. Do đó, việc thế chấp cũng chấm dứt, Công ty Phước Long không phải trả lãi kể từ ngày 22/2/2013.

Theo đó, Công ty Phước Long phải trả cho MSB số tiền 96,97 tỷ đồng, trong khi MSB phải bồi thường 96,93 tỷ đồng.

Tính chung lại, Công ty Phước Long còn phải thanh toán 40,6 triệu đồng. Công ty MST phải trả cho Công ty Phước Long số tiền 6,5 tỷ đồng.

Do đây là bản án phúc thẩm nên có hiệu lực thi hành. Theo một nguồn tin, Công ty Phước Long không khiếu nại bản án trên.

Cũng theo nguồn tin trên, thông thường, ngân hàng sẽ phải khởi kiện hợp đồng tín dụng trước khi thu giữ tài sản.

Nhưng trên thực tế, vẫn có trường hợp ngân hàng không tuân thủ các quy định về trình tự xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ trước hạn.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục