Đại án PVC: Ông Đinh La Thăng "xin nhận trách nhiệm cho anh em“

(ĐTCK) Bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng, dự án bị ép tiến độ, yêu cầu phải khởi công trong quý 1/2009. “Việc ép tiến độ là nguyên nhân dẫn đến quá trình triển khai thực hiện phát sinh những hệ lụy". 
Ông Đinh La Thăng khai trước tòa. Ảnh: TTXVN Ông Đinh La Thăng khai trước tòa. Ảnh: TTXVN

Chiều 9/1, phiên tòa xét xử vụ đại án PVC tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư về hành vi tạm ứng trái quy định và giám định khoản thiệt hại của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN bị cáo buộc đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐTV) chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC với PVC trái quy định và chỉ đạo cấp dưới cấp tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC. Hậu quả, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỷ đồng.

Cách xác định thiệt hại

Về thiệt hại trong vụ án, đoàn giám định tư pháp kết luận, thiệt hại gián tiếp là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền sử dụng sai mục đích là 51,6 tỷ đồng; thiệt hại trực tiếp là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng cho PVC) đến hết  ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng) là 68,1 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 119 tỷ đồng.

Đánh giá về khoản thiệt hại này, giám định viên cho biết, cơ sở căn cứ tính là lãi suất huy động phổ biến bình quân do NHNN cung cấp.

Theo Nghị định 142 về tài chính của tập đoàn, đoàn giám định khẳng định, hành vi tạm ứng là trái pháp luật vì hợp đồng không có điều 14. Tiền sử dụng sai mục đích phải có trách nhiệm thu hồi.

Qua hồ sơ cung cấp, hết năm 2011, chỉ có 196 tỷ đồng và 6,6 triệu USD thanh toán cho bên tư vấn là sử dụng đúng mục đích. Phần lớn số tiền tạm ứng trước được sử dụng trước khi hợp đồng được ký chính thức có hiệu lực.

Ông Đinh La Thăng "nhận trách nhiệm cho anh em"

Trước khi phiên tòa kết thúc, ông Đinh La Thăng trả lời về hành vi cố ý làm trái quy định. Ông Thăng cho rằng, có ranh giới trách nhiệm giữa Chủ tịch HĐTV, thành viên và Tổng giám đốc.

Chủ tịch triển khai chủ trương đường lối chính sách của Đảng và lãnh đạo chỉ đạo tập đoàn thực hiện các nghị quyết, quyết định. Tổng giám đốc, ban giám đốc điều hành công việc hàng ngày và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định của HĐTV.

“Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong nhiều dự án về điện gồm điện khí, điện than, điện gió trong chiến lược phát triển của PVN và ngành điện Việt Nam.

PVN đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện toàn quốc. Đây là dự án quan trọng với tiến độ cấp bách và được Chính phủ cho phép thực hiện theo Quyết định 1195 cơ chế đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dự án.

Theo cơ chế đặc thù, dự án được thực hiện, vừa triển khai thiết kế chi tiết vừa thực hiện các chủ trương và quyết định về đầu tư. Trong thiết kế kỹ thuật thực hiện 2 giai đoạn, cơ chế vừa thiết kế vừa thi công để đảm bảo cái nào triển khai được không ảnh hưởng tổng thể thiết kế thì cho phép phê duyệt triển khai trước”, ông Thăng khai.

Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng, dự án bị ép tiến độ, yêu cầu phải khởi công trong quý 1/2009.

“Việc ép tiến độ là nguyên nhân dẫn đến quá trình triển khai thực hiện phát sinh những hệ lụy. Sau 10 năm nhìn lại dự án khi làm việc với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và ngay tại phiên tòa, chúng tôi có đầy đủ thông tin. Với sức ép tiến độ, tôi chỉ đạo quyết liệt, có lúc nôn nóng, nóng vội. Bản thân tôi thấy có những việc do ép tiến độ anh em cấp dưới không đủ hiểu biết thực hiện dẫn đến vi phạm các quy trình thủ tục.

Tôi nhận trách nhiệm vai trò người đứng đầu, mong được xem xét bối cảnh dự án trong 10 năm về trước. Đặc biệt với Tập đoàn là triển khai rất nhiều dự án, bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giữa quyết liệt hành động, với vi phạm là ranh giới mong manh”, ông Đinh la Thăng khai, đồng thời cũng “xin nhận trách nhiệm cho anh em”.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục