Đại án Oceanbank: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn

(ĐTCK) HĐXX cho rằng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cần thiết làm rõ trách nhiệm của bị cáo Sơn cùng những người liên quan quản lý phần vốn góp 800 tỷ đồng của PVN. 
Các bị cáo tại tòa. Các bị cáo tại tòa.

Chiều 8/3, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư. Tuy nhiên, ngay đầu giờ chiều, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cho rằng, có rất nhiều vấn đề không thể làm rõ tại tòa. Cơ quan công tố đề nghị trả hồ sơ vụ án cho cơ quan Cánh sát điều tra Bộ Công an làm rõ nội dung vụ án để đánh giá chính xác hành vi phạm tội của các bị cáo.

Sau ít phút tạm dừng phiên tòa để hội ý, chủ tọa Trần Nam Hà đọc quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các nội dung sau:

Thứ nhất: Oceanbank là ngân hàng cổ phần, PVN là cổ đông và đối tác chiến lược với vốn góp 20% (800 tỷ đồng). Từ cuối năm 2009, 2010, Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc thống nhất với Hà Văn Thắm chi “chăm sóc khách hàng”, việc thu phí thông qua Công ty BSC. Việc thu phí khách hàng trái quy định, trong đó bị cáo Sơn đã nhận 69 tỷ đồng từ BSC. Hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, về số tiền 246 tỷ đồng của Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ Tổng giám đốc, đại diện phần vốn góp PVN tại ngân hàng này, đã bàn bạc cùng Hà Văn Thắm ra chủ trương chi lãi ngoài. Năm 2011, mặc dù chuyển về PVN, nhưng Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu chăm sóc một số khách hàng của PVN. Như vậy, có dấu hiệu hành vi lợi dụng chức vụ được giao ban hành, tổ chức, chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật để chiếm đoạt 246 tỷ đồng, nhưng cáo trạng truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước là chưa chính xác.

Thứ ba, cần thiết làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người liên quan quản lý phần vốn góp 800 tỷ đồng của PVN theo quy định pháp luật.

Thứ tư, từ năm 2011-2014, có hàng nghìn cá nhân, hàng trăm tổ chức nhận lãi ngoài, trong đó có nhiều khách hàng thuộc PVN và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, có dấu hiệu móc ngoặc nhận lãi ngoài nhằm hưởng lợi. Do đó, cần điều tra làm rõ số tiền các tổ chức cá nhân đã nhận để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội của các bị cáo và các cá nhân có liên quan. Đồng thời, có căn cứ giải quyết triệt để vấn đề dân sự trong vụ án. 

Thứ năm, lời khai tại tòa của 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch khẳng định, một số bị cáo không trực tiếp chỉ đạo, chi lãi ngoài mà người khác lĩnh hội chủ trương. Việc quy kết các bị cáo theo số tiền trong cáo trạng là chưa chính xác. Cần làm rõ số tiền các bị cáo chi thực tế và chỉ đạo làm rõ nội dung này.

Thứ sáu, lời khai của Hà Văn Thắm thể hiện Thắm bàn bạc cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn. Để thực hiện khoản vay này, Danh chỉ đạo Trần Văn Bình (giám đốc Công ty Trung Dung) bàn bạc với bà Hứa Thị Phấn đưa tài sản không đúng. Số tiền 500 tỷ đồng chuyển về tất toán khoản vay trước đó của bà Phấn.

Hành vi của Phạm Công Danh, Trần Văn Bình và Hứa Thị Phấn có dấu hiệu đồng phạm với Thắm về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, cần làm rõ hành vi lập khống 9 hợp đồng vay của Phòng giao dịch Đào Duy Anh để đảm bảo sự công bằng.

Theo HĐXX, vì những lý do trên và các nội dung khác không được làm rõ tại tòa, Tòa án quyết định trả hồ sơ điều tra vụ án.

Như vậy, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ đại án Oceanbank tạm dừng lại sau 10 ngày xét xử.

Bị cáo Hà Văn Thắm: "Trích lập dự phòng, không phải thiệt hại"

Trả lời luật sư, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, việc Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro không được xem là thiệt hại. Trước khi bị cáo bị bắt, Thanh tra NHNN đánh giá Oceanbank có nợ xấu nhóm 5, là 14.000 tỷ đồng và đề nghị trích lập toàn bộ số đó. Theo quy định trích lập dự phòng có 10.000 tỷ đồng quay trở lại vào nguồn vốn ngân hàng. Nếu việc trích lập được coi là lỗ, năm 2016 đã giảm lỗ. 14.000 tỷ đồng được tiếp tục trích lập và thu hồi, số tiền này được quay lại, Oceanbak không âm nguồn vốn. Bằng chứng đó cho thấy trích lập rủi ro là dự phòng cho việc rủi ro có thể xảy ra, không phải thiệt hại.

“1.300 tỷ đồng NHNN yêu cầu trích lập dự phòng, bị cáo chưa có ý kiến, bây giờ bị cáo xin tiếp tục giảm trừ nợ. Giả định số tiền đó là đúng thì trích lập 1.300 tỷ đồng không đúng. Vì trong cáo trạng có nêu nội dung, số tiền chưa hoàn ứng là 300 tỷ đồng. Cơ quan điều tra không ghi nhận vì còn khoản 1.000 tỷ đồng của Oceanbank hoàn ứng. Nếu làm nhanh còn 300 tỷ thôi. Bị cáo biết rằng việc khắc phục vẫn tiếp tục”, bị cáo Thắm nói.

Đại diện ủy quyền của PVN cho biết, năm 2011, Tập đoàn cử nhân sự tư cách giám sát phần góp vón tại Oceanbank. PVN được chia cổ tức năm 2009, 2011,2013. Tập đoàn này khẳng định việc chi chăm sóc khách hàng là nội bộ ngân hàng.

“Chúng tôi là cổ đông góp vốn không có nghĩa vụ phải biết dù là quyền của chúng tôi. Về trách nhiệm của người được Tập đoàn cử sang quản lý phần vốn góp, cơ quan điều tra tách ra giai đoạn 2. Theo Điều 196, nếu đi sâu sẽ vượt quá giới hạn xét xử. Đề nghị luật sư hỏi cơ quan điều tra. Còn việc xác định thiệt hại thuộc về giám định viên”, đại diện ủy quyền PVN trả lời.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục