Cựu chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự bị tăng án thành 16 năm tù

(ĐTCK) Sau nhiều ngày xét xử, chiều 14/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng nghị, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin) mức án 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cựu chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự bị tăng án thành 16 năm tù

So với bản án sơ thẩm, bị cáo này bị tăng án thêm 3 năm tù. Việc tăng án theo quyết định kháng nghị của Viện KSND.

Cùng tội danh trên, Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng Vinashin, Trương Văn Tuyến - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, giảm cho mỗi bị cáo 1 năm tù. Theo đó, bị cáo Chính lĩnh án 15 năm tù, Tuyến 6 năm tù.

Riêng bị cáo Phạm Thanh Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc Vinashin lĩnh án 6 năm tù (bằng bản án sơ thẩm).

Bản án phúc thẩm xác định, các bị cáo thừa nhận Vinashin đã chuyển số tiền được Chính phủ cấp và tiếp nhận từ Tập đoàn Dầu khí (hơn 6.300 tỷ đồng) để tái cơ cấu từ tài khoản thanh toán sang tài khoản có kỳ hạn tại Oceanbank. Khi đó Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản chấp thuận.

Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, bị cáo Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi từ Oceanbank rồi trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, bị cáo Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, Chính 10 tỷ đồng, Tuyến 3,5 tỷ đồng và Sơn 1,2 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tòa cũng nhận định, bị cáo Sự là người đưa ra chủ trương thống nhất với các bị cáo khác để gửi tiền vào Oceanbank để hưởng lãi ngoài. Bị cáo trực tiếp ký 12 hợp đồng giao dịch tiền gửi, chỉ đạo bị cáo Tuyến ủy quyền cho bị cáo Chính ký hợp đồng/giao dịch; giao cho Chính quản lý, chi tiêu số tiền 105 tỷ đồng nên bị cáo có vai trò cao nhất. .

HĐXX giảm án cho bị cáo Trần Đức Chính vì bị cáo này đã tích cực giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, đồng thời giúp Nhà nước thu hồi một phần thiệt hại.

Về trách nhiệm dân sự, ngoài số tiền các bị cáo thừa nhận được chia, các bị cáo cùng phải chịu trách nhiệm với số tiền còn lại, trong đó có khoản chi tiêu chung, tổng cộng hơn 70 tỷ đồng. Theo đó, 4 bị cáo phải liên đới bồi thường.

Tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Sơn cũng kháng cáo xin hủy lệnh kê biên 2 tài sản là nhà, đất ở quận Đống Đa và quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải liên đới cùng các bị cáo khác truy nộp số tiền 22,5 tỷ đồng, trong đó tỷ phần của bị cáo Sơn là 4,5 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm đã tuyên duy trì lệnh kê biên 2 tài sản trên (mặc dù bị cáo đã nộp 1,2 tỷ đồng và các tài sản này không liên quan đến vụ án) để đảm bảo thi hành án là phù hợp.

HĐXX không chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Sơn nên không có căn cứ hủy lệnh kê biên này.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục