Bác kháng cáo xin giảm án của hai cựu giám đốc lừa đảo ngân hàng

(ĐTCK) Trong các ngày 24-25/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét kháng án của các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 77 tỷ đồng của ngân hàng.
Bác kháng cáo xin giảm án của hai cựu giám đốc lừa đảo ngân hàng

Giữ vai trò chính trong vụ án này là bị can Đỗ Xuân Hai (SN 1962, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu) song bị can được tạm đình chỉ để chữa bệnh trầm cảm.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2019, TAND TP Hà Nội đã xử phạt 11 bị cáo còn lại trong vụ án gồm Nguyễn Trọng Năm (SN 1965, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Hường) mức án 16 năm tù; Đỗ Quang Bình mức án 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có 6 bị cáo giúp ký khống chứng từ nhận mức án từ 4-10 năm tù cùng tội danh trên.

Có 3 bị cáo nguyên là cán bộ và nhân viên ngân hàng cũng nhận mức án từ 5 năm – 10 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Sau phiên tòa trên 10 bị cáo đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm xác định, do cần tiền trả nợ và sử dụng vào nhiều mục đích khác, Đỗ Xuân Hai đã ký hợp đồng vay vốn ngân hàng số tiền 219 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là bất động sản và hàng hóa luân chuyển tồn kho.

Tính đến tháng 4/2012, Công ty Đức Hiếu còn dư nợ 109 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán. Công ty đã bán tài sản bảo đảm bao gồm hàng hóa trong kho, 3 xe ô tô và 4 bất động sản để trả một phần nợ. Hiện đến nay không còn khả năng thanh toán số tiền nợ gốc là 77 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, Đỗ Xuân Hai đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ hàng hóa thế chấp thể hiện trên biên bản kiểm kê định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng kinh tế, hóa đơn, phiếu nhập kho của các công ty, doanh nghiệp và 12 cá nhân để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng.

Doanh nghiệp tư nhân Năm Hường do bị cáo Nguyễn Trọng Năm làm chủ và Công ty TNHH Nam Bình do bị cáo Đỗ Quang Bình thành lập cũng có hành vi lập khống số liệu thể hiện trên các chứng từ hàng hóa thế chấp như biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, phiếu nhập kho... để vay tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, các cán bộ ngân hàng đã không thẩm định hàng hóa thế chấp, định giá tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển. Các bị cáo còn lập khống Biên bản kiểm kê kiểm định giá tài sản, Biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp để hoàn tất thủ tục giải ngân.

Bản án sơ thẩm đã buộc bị cáo Năm phải bồi thường số tiền 18 tỷ đồng, Bình 13 tỷ đồng, đồng thời tách phần trách nhiệm trả tiền đối với Đỗ Xuân Hai. Tòa án cũng tuyên tiếp tục duy trì hiệu lực của các hợp đồng thế chấp. Trường hợp các bị cáo không tự nguyện trả tiền thì ngân hàng được quyền xử lý các tài sản bảo đảm.

Khi xét đơn kháng cáo, HĐXX phúc thẩm thấy rằng, bị cáo Năm và Bình là chủ các doanh nghiệp, khắc phục 20 triệu đồng, đồng ý giao tài sản thế chấp để ngân hàng xử lý. Các bị cáo cũng thể hiện sự ăn năn, hối cải song với tính chất hành vi phạm tội thì mức hình phạt trên là phù hợp nên không được giảm án.  

Các bị cáo còn lại giữa vai trò thực hành giúp sức, không được hưởng lợi, có người vì nể nang, có người tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trong vụ án này hậu quả còn do lỗi của ngân hàng. Vì vậy, tòa án chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo còn từ 2 năm – 8 năm tù.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục