Phân vùng thị trường: Họ Vicem mất phần

(ĐTCK-online) Việc áp dụng chiến lược phân vùng thị trường cho các công ty thành viên của Vicem đang khiến cho các thành viên của tổng công ty này mất thị phần.
Phân vùng thị trường: Họ Vicem mất phần

Là nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam với 36,03% thị phần, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang áp dụng chiến lược phân vùng thị trường cho các công ty thành viên. Song, không ít công ty thành viên phản ứng với cách làm này, bởi sau khi nhượng lại địa bàn, các doanh nghiệp “anh em” tiếp nhận đã không giữ được thị phần như trước.

Cách đây gần 4 năm, Vicem bắt đầu triển khai chiến lược phân vùng lại cho các công ty thành viên. Theo đó, Hoàng Thạch được yêu cầu phải rút khỏi thị trường phía Nam để nhượng lại thị trường này cho các doanh nghiệp “anh em” trong họ Vicem là Hoàng Mai, Hà Tiên 1, 2.

Mục đích của việc phân vùng này là để giảm bớt chi phí vận chuyển, vì Nhà máy xi măng Hoàng Thạch đặt tại Hải Dương, trong khi Hoàng Mai, Hà Tiên 1, 2 gần phía Nam hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết, ông từng phản đối kế hoạch rút thương hiệu xi măng Hoàng Thạch khỏi thị trường phía Nam, vì Hoàng Thạch đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường này và đã chiếm một thị phần không nhỏ tại đây.

“Nếu Tổng công ty khẳng định khi Hoàng Thạch rút ra toàn bộ thị phần sẽ thuộc về một thương hiệu khác của Vicem thì Hoàng Thạch rất sẵn sàng. Còn trường hợp ngược lại, thị phần đó bị thương hiệu xi măng khác ngoài Vicem chiếm giữ, nên chăng cần cân nhắc lại”, đại diện Hoàng Thạch băn khoăn.

Tuy nhiên, là “con” không dám cãi lời “mẹ”, trong vòng chưa đầy 4 năm, Xi măng Hoàng Thạch đã rút khỏi thị trường phía Nam và câu chuyện giữ thị phần bắt đầu gây tranh cãi khi các thương hiệu khác thuộc họ Vicem khó cạnh tranh tại đây.

Với việc dư cung, thị trường xi măng đã bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn, nhỏ. Có thể kể đến hàng loạt thương hiệu của Vicem như Hoàng Thạch, Hà Tiên, Hải Phòng, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp, cùng với các thương hiệu khác là Chinfon, Nghi Sơn, Phúc Sơn, Holcim, FICO,… Thêm vào đó, mỗi vùng lại có một loại xi măng địa phương “án ngữ”.

Hai địa bàn tiêu thụ xi măng nhiều nhất cả nước là TP. HCM và Hà Nội thì các thương hiệu mới rất khó chen chân vào. Bởi ở những địa bàn này, dù là tiêu thụ xi măng lớn nhất cả nước, nhưng với nhiều ông lớn, miếng bánh này xem ra quá nhỏ. Đơn cử, thị trường Hà Nội mỗi năm tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn, trong khi công suất toàn ngành vào khoảng 55 - 60 triệu tấn (trong đó xi măng lò đứng vào khoảng 10 triệu tấn).

Bên cạnh đó, việc cắt giảm đầu tư công, cùng với thị trường bất động sản trầm lắng cũng kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ xi măng. Không chạy hết công suất là nỗi niềm của đa phần các nhà máy sản xuất xi măng trong thời điểm hiện tại.

Các nhà máy xi măng lò đứng “biết thân, biết phận” nên đã tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất từ một vài năm trước bằng cách sản xuất vật liệu xây dựng không nung như gạch Block.

Hơn nữa, các nhà máy xi măng lò đứng đã bước vào thời kỳ khấu hao xong hoặc khấu hao gần hết nên bài toán cho sản xuất sẽ đơn giản hơn nhiều. Đối với các nhà máy xi măng lò quay, do đầu tư lớn, lại chủ yếu là những dự án mới nên ngoài vấn đề thị trường, còn phải trả nợ đầu tư mà chủ yếu là nợ đầu tư bằng vốn nước ngoài, nên phải tính thêm bài toán trượt giá ngoại tệ. Vì thế, khó khăn càng thêm chồng chất đối với các nhà mày xi măng mới, có suất đầu tư lớn.

Việc không duy trì được tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong khâu trả nợ. Bằng chứng là năm 2011, Bộ Tài chính phải trả nợ thay cho Xi măng Tam Điệp, Thái Nguyên, Đồng Bành và giãn nợ cho Xi măng Hoàng Mai do đến kỳ trả nợ mà các đơn vị này không có khả năng trả nợ.

Câu hỏi đặt ra là trong điều kiện hiện nay, liệu Vicem có giữ được thị phần và phương án “phân vùng” thị trường của Vicem có phải là giải pháp tối ưu?

Thanh Uyên
Thanh Uyên

Tin cùng chuyên mục