Phản ứng quá đà trong nhóm VN30

(ĐTCK) Trước thông tin dịch cúm Covid-19 tiếp tục lây lan sang nhiều quốc gia, chỉ số chứng khoán trong nước rơi sâu. Trong đó, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm trụ.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Từ ngày 24/1 tới ngày 26/2/2020, chỉ số VN30 giảm 7,4% và hiện đang giao dịch ở vùng giá 849,58 điểm, gần với vùng đáy được xác lập vào đầu năm 2019 - thời điểm chịu “cú sốc” chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Kể từ khi thông tin về dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, chứng khoán Việt Nam bị bán khá mạnh, đặt biệt là các cổ phiếu trong nhóm VN30.

Theo thống kê, khối ngoại đã mua vào 6.591 tỷ đồng, bán ra 7.563 tỷ đồng, tức bán ròng 972,9 tỷ đồng. Có thể thấy, lực bán ra đến cả từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Phản ứng quá đà trong nhóm VN30 ảnh 1

Tác động tới VN30 từ 22/1 - 26/2.

Ngoại trừ một số cổ phiếu có câu chuyện riêng như SBT (CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà) với kỳ vọng hưởng lợi từ giá đường thế giới bật tăng mạnh 36,5% so với đầu năm do lo ngại nguồn cung bị thu hẹp ở nhiều quốc gia xuất khẩu lớn, hay VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) đang có động thái chuẩn bị thoái bớt vốn tại FE Credit cũng như đưa công ty này lên sàn, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Thị giá của nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng gián tiếp do nhu cầu tiêu thụ, mua sắm giảm trong mùa dịch như MSN, MWG, SAB, VNM, VRE, PNJ đã lần lượt mất 6,84%, 10,91%, 22,45%, 11,04%, 13,44%.

Việc nhập hàng sẽ khó khăn đối với MWG, do nhiều hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn.

Trong khi đó, ngành tiêu dùng hàng hoá khả năng chậm lại với MSN, VNM.

Hiện tượng người dân hạn chế tới nơi đông người cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các trung tâm thương mại của VRE. VNM, SAB, VRE đang giao dịch vùng đáy nhiều năm.

Chịu ảnh hưởng kép trong nhóm này phải kể tới SAB. Cùng với ảnh hưởng của Nghị định 100 về việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, việc người dân hạn chế tụ họp ở nơi đông người khiến sức tiêu thụ của hãng bia này bị giảm mạnh.

Nhóm cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng thiết yếu như REE, GAS, PLX, POW, BVH cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, với mức giảm lần lượt là 7,84%, 15,81%, 11,95%, 8,11%, 17,16%.

Trong đó, REE hoạt động chủ yếu mảng điện, nước và cho thuê văn phòng, dòng tiền của doanh nghiệp khá đều. GAS và PLX luôn có vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, GAS độc quyền phân phối khí.

Hai doanh nghiệp còn lại thuộc ngành nghề sản xuất điện và kinh doanh bảo hiểm. Dù mỗi doanh nghiệp đều có hoạt động kinh doanh mang tính ổn định cao, nhưng cổ phiếu vẫn bị bán ra khá mạnh.

Hiện tại, PLX đang giao dịch ở vùng đáy 3 năm, GAS giao dịch vùng đáy hơn 2 năm, BVH đang giao dịch vùng đáy giai đoạn 2016 - 2018, REE đang giao dịch vùng giá thấp năm 2019.

Cổ phiếu CTD đang giao dịch ở vùng giá 62.500 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách của cổ phiếu này hiện lên tới 111.014 đồng/cổ phiếu, lượng tiền mặt tương ứng 52.499 đồng/cổ phiếu.

PLX đang giao dịch ở vùng giá 50.100 đồng/cổ phiếu, giá trị sổ sách 21.800 đồng/cổ phiếu, lượng tiền mặt là 14.927 đồng/cổ phiếu.

GAS giao dịch với giá 79.900 đồng/cổ phiếu, giá trị sổ sách 25.959 đồng/cổ phiếu, lượng tiền mặt tương ứng 15.356 đồng/cổ phiếu.

Còn REE giao dịch với giá 34.100 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách là 35.805 đồng/cổ phiếu và lượng tiền mặt trên mỗi cổ phiếu là 10.616 đồng.

Nhóm cổ phiếu còn lại trong VN30 như ngân hàng, bất động sản và các ngành nghề khác cũng đang giao dịch ở vùng giá tương đối thấp, đặc biệt thị giá của các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tư nhân như MBB, TCB, HDB, STB lần lượt giảm 8,48%, 7,64%, 4,48%.

Riêng STB tăng giá 2,75%. Các cổ phiếu ngân hàng hiện đang giao dịch ở vùng đáy của chính mình.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 chỉ tác động trực tiếp tới các ngành hàng không, du lịch, vận tải và một vài ngành nghề khác, nhưng giới đầu tư đã phản ứng khá mạnh khi bán trên diện rộng của chỉ số VN30.

Được biết, nhóm VN30 năm 2019 ghi nhận tổng doanh thu 1.170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 176.467 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8,09% và 19,6% so với năm 2018.

Các cổ phiếu như VHM và nhóm ngân hàng như STB, EIB, MBB, VCB đóng góp đà tăng trưởng tốt nhất cho nhóm VN30.

Nhà đầu tư dường như đang phớt lờ thành quả kinh doanh của nhiều cổ phiếu trong VN30, tâm lý hoảng loạn mùa dịch đã lấn át yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.              

Nếu Vn-Index giảm sâu dưới vùng 900 điểm, đây là cơ hội tốt để tái cơ cấu danh mục

Phản ứng quá đà trong nhóm VN30 ảnh 2

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank.

Việc dịch lan rộng tại Hàn Quốc, vốn có giao thương và tầm quan trọng với Việt Nam không kém so với Trung Quốc khiến VN-Index giảm điểm là điều dễ hiểu. Tôi vẫn thiên về kịch bản dịch bệnh sẽ được kiềm chế trong quý II, tuy nhiên mức giảm từ đầu năm nay đã lấy đi thành quả mức tăng của cả năm trước, tác động tới VN-Index thì vùng 900 điểm đã là mức phản ánh hợp lý.

Thị trường có thể tiếp tục tạo đáy sâu thấp hơn đáy trước, nhưng mức cân bằng trong 1-2 tháng tới vẫn là tại vùng này.

Nếu VN-Index tiếp tục giảm sâu dưới vùng 900 điểm, đây là cơ hội tốt để tái cơ cấu danh mục.

Nhóm ngân hàng có thể tiếp tục là đầu tàu dẫn sóng nếu thị trường hồi phục trở lại và chiến lược của tôi hiện tại là canh mua nhóm cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, nhóm dược phẩm, công nghệ, thép cũng là cơ hội mua vào nếu bị bán mạnh.

Tuy nhiên, cũng lưu ý giai đoạn này rủi ro ngắn hạn là cao, thị trường có thể vẫn còn những phiên biến động với biên độ mạnh, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân một phần và ưu tiên giữ lại 50% tiền mặt để linh hoạt trong xử lý tình huống.

Trường hợp đang nắm giữ cổ phiếu thuộc các nhóm ngành trên và xu hướng đầu tư dài hạn, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục duy trì vị thế.

Các cổ phiếu đồng loạt giảm theo hiệu ứng

Phản ứng quá đà trong nhóm VN30 ảnh 3

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

Thị trường đang chịu ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 lẫn triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã giảm tốc trong năm 2019 và được dự báo tiếp tục giảm tốc năm 2020.

Các tổ chức như Wold Bank; OECD; IMF... trong các báo cáo gần đây nhất đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 trước cả khi dịch Covid-19 xảy ra.

Do đó, khi có thêm nhân tố tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, chắc chắn bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ở các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Ấn Độ... càng tiêu cực hơn.

Ở góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường Việt Nam đang ở vùng hỗ trợ trung hạn 880 - 900 điểm đã nhiều lần ngăn được đà rơi của thị trường từ năm 2018 tới nay.

Tuy nhiên, áp lực ngắn hạn hiện quá lớn khi thị trường gặp nhiều yếu tố bất lợi do ảnh hưởng từ thông tin tiêu cực của Covid-19; đà giảm mạnh chung của thị trường toàn cầu và áp lực từ khối ngoại khi liên tiếp bán ròng.

Cơ hội kiểm soát dịch sớm đã qua đi khi có nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật, Italia... đang diễn biến nhanh và phức tạp trong tuần qua.

Hơn nữa, ở giai đoạn hiện tại, rất khó có khả năng xuất hiện các thông tin tích cực đủ mạnh để thúc đẩy thị trường đi lên. Do đó, rủi ro thị trường để vỡ vùng hỗ trợ và tiếp tục đi xuống đang cao hơn

Dù vậy, nhìn theo thống kê các thị trườngm trong đó có thị trường Việt Nam qua các đợt xảy ra dịch bệnh thì các tác động thường mang tính ngắn hạn.Quá trình ảnh hưởng diễn ra từ 3 - 4 tháng và khi dịch bệnh được công bố kiểm soát thì các thị trường đều đi lên mạnh sau đó. Hơn nữa, trong bối cảnh tăng trưởng đi xuống và chịu thêm tác động từ dịch bệnh, các quốc gia sẽ có động lực thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi dịch kết thúc. Trong nội tại thị trường, mức độ tác động của dịch là tùy từng ngành, nhưng các cổ phiếu đồng loạt giảm theo hiệu ứng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục