Quen dần với biến động
Với quyết định mới của NHNN, giá trần đối với USD tăng lên 22.547 VND. Ngày 20/8, ghi nhận tại các ngân hàng cho thấy, giá USD tiếp tục tăng nhẹ so với ngày 19/8 lên gần kịch trần. Cụ thể, tại Vietcombank, giá USD bán ra là 22.420 đồng, tăng 20 đồng; tại Techcombank, niêm yết giá bán 22.435 đồng; tại Vietinbank, giá bán USD là 22.420 đồng.
Trên thị trường tự do, giá bán USD phổ biến ở mức 22.560 đồng, song giao dịch rất thưa thớt. Không có cảnh người dân tấp nập mua ngoại tệ như các đợt điều chỉnh tỷ giá vài năm trước đây.
Trên thị trường vàng, hoạt động mua bán vẫn diễn ra như thường lệ, không có nhiều người đổ xô mua vàng chờ giá lên. Giá vàng SJC bán ra tại TP HCM là 34,5 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội là 34,570 triệu đồng, giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng so với ngày 19/8, mặc dù giá vàng thế giới tăng lên 1.138 USD/ounce, cao hơn 15 USD so với ngày trước đó.
Kịch bản này khá tương đồng với đợt điều chỉnh tỷ giá ngày 12/8, không ít người mua vàng đã bị lỗ nên đến đợt điều chỉnh này, người dân không mấy mặn mà với kênh đầu tư vàng.
Tuy nhiên, TTCK lại có phản ứng khá mạnh, VN-Index trong phiên hôm qua mất tới 11,13 điểm, đóng cửa ở 566,69 điểm. Bên cạnh tâm lý lo ngại do tác động từ điều chỉnh tỷ giá, việc giá dầu tiếp tục giảm kéo cổ phiếu dầu khí tuột dốc là nguyên nhân khiến thị trường lao dốc mạnh trong phiên chiều.
Đáng chú ý, 2 đầu tàu trong nhóm dầu khí là GAS và PVD đều giảm sàn, thậm chí GAS còn dư bán giá sàn tới gần 100.000 đơn vị. Trong diễn biến như vậy, thị trường vẫn có một số chỉ báo khá tích cực với nhà đầu tư khi thanh khoản trên HOSE tăng khá mạnh, đạt hơn 2.032 tỷ đồng. Tâm lý nhà đầu tư không hoảng loạn, nhiều lệnh chờ mua giá thấp được tung ra.
Chọn vàng, USD hay chứng khoán?
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam, việc theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo USD tiềm ẩn rủi ro tiềm tàng. Tiền đồng bị định giá cao, gây áp lực lên tỷ giá dẫn đến đầu cơ đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Thực tế đã cho thấy, tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh do tâm lý về đồn đoán việc điều chỉnh tiền đồng.
Hơn nữa, xuất khẩu đã bị ảnh hưởng rất lớn trong bối cảnh các nước châu Á đua nhau phá giá đồng nội tệ. Động thái điều hành tỷ giá như vừa qua có thể giải quyết phần lớn những rủi ro tiềm tàng trên.
Quan trọng hơn, động thái này còn đưa ra tín hiệu điều hành chính sách tỷ giá theo thị trường, thay vì duy ý chí như trước kia. Để thích ứng, các DN sẽ phải có giải pháp phòng vệ rủi ro tỷ giá nhằm duy trì sự phát triển và hoạt động ổn định của mình.
Nhìn nhận về biến động của các kênh ngoại tệ, vàng, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng, với biên độ rộng như vậy, thị trường khó có thể kỳ vọng USD tiếp tục tăng giá mạnh, người dân và DN cũng không còn tâm lý găm giữ ngoại tệ như đợt điều chỉnh tỷ giá đầu tháng 8.
Về giá vàng, doanh nhân này cho rằng, có thể tiếp tục tăng nhẹ do giá thế giới biến động tăng, song nhu cầu đầu tư vào vàng chờ sóng lên xuống để kiếm lời của người dân không còn lớn như trước.
Một quan điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ là mặt bằng lãi suất VND có thể tăng nhẹ trong thời gian tới. Lãi suất huy động VND trên thị trường đã có dấu hiệu chạm đáy vào tháng 5 và bắt đầu tăng nhẹ trở lại kể từ tháng 6. Việc giảm giá dồn dập VND sẽ càng củng cố cho xu hướng này.
Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động VND tăng thêm quanh mức 0,5%/năm trong thời gian tới là phù hợp.
Với TTCK, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng nhất định do khối ngoại có thể sẽ không nhiệt tâm giải ngân trước rủi ro biến động tỷ giá. Theo thống kê của CTCK Bảo Việt, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3 tuần liên tiếp gần đây trên thị trường trái phiếu với giá trị bán ròng đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế có những chuyển biến tốt hơn, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nhà đầu tư nước ngoài càng có động lực bỏ vốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Ông Lê Xuân Nghĩa,Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh NHNN chia ra làm hai lần điều chỉnh, lần thứ nhất điều chỉnh biên độ và lần thứ hai điều chỉnh cả biên độ và điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Lần thứ nhất nhằm đối phó ngay lập tức với việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT, còn lần này sẽ dài hơi hơn. Một mặt để đối phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 tới, mặt khác, diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua cũng bị ảnh hưởng của việc giảm giá đồng NDT và Việt Nam cần thiết phải có tác động chính sách. Thông điệp của NHNN khẳng định, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Như vậy, các DN xuất khẩu có lợi thấy rõ, các DN trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc. Các DN, ngân hàng và người dân cũng không dại gì giữ ngoại tệ, mà họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn. Tôi nghĩ đó là động thái điều hành đón đầu thị trường rất thông minh, rất kịp thời và mức độ điều chỉnh lớn như vậy rất tốt, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới. |