Phân tích kỹ thuật hay trò chơi của cáo và thỏ (*)

(ĐTCK-online) Tôi viết bài này dành cho những người ưa thích phân tích kỹ thuật nhưng không có nhiều thời gian để ngồi nghiền ngẫm những mô hình và chỉ số kỹ thuật phức tạp mà thoạt nghe chúng ta khó có thể nhớ được chúng. Thực ra, nhiều người luôn lầm tưởng rằng, sự phức tạp đồng nghĩa với tính chuyên nghiệp, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Phân tích kỹ thuật thực chất chỉ trả lời một câu hỏi đơn giản: diễn biến giá và lượng giao dịch nói lên điều gì?

Nhiều người cũng cho rằng phân tích kỹ thuật là vô dụng bởi chỉ có phân tích cơ bản mới nói lên bản chất của sự biến động giá. Quan niệm này cũng là một quan niệm sai lầm. Nếu như các thông tin cơ bản về (các) công ty đã được thị trường đón nhận, thị trường đã tự động điều chỉnh vào giá. Và nếu các thông tin đều đã được phản ánh vào giá thì chúng ta có lẽ không cần mất công sức để tìm kiếm các thông tin cơ bản làm gì, hãy đơn giản là nhìn vào đồ thị kỹ thuật[1].

Tôi sẽ không đi sâu vào những tranh luận như vậy. Những gì tiếp theo sẽ tập trung vào sự tưởng tượng, bởi theo tôi phân tích kỹ thuật là một nghệ thuật đọc ý nghĩ của đám đông. Tôi cũng sẽ không tập trung vào giải thích các thuật ngữ kỹ thuật bởi không cần thiết và bởi vì phân tích kỹ thuật đơn giản là “xem một bức tranh”.

Đồ thị dưới đây phản ánh diễn biến VN-Index trong thời gian vừa qua với hai chỉ số chính là diễn biến giá và lượng. Tôi vẽ thêm đường SMA 30 ngày bởi tôi sẽ sử dụng chỉ số này để nói qua về xu hướng. Nhìn một cách thoáng qua, chúng ta sẽ có một tóm tắt đơn giản sau đây:

·        Giai đoạn 1: VN-Index đã trải qua một sự giảm giá mạnh từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu, từ đỉnh 1.113 điểm xuống 892 điểm vào đầu tháng Tám.

·        Giai đoạn 2: Từ đầu tháng Tám đến đầu tháng Chín, VN-Index dao động quanh dải 892-938 điểm.

·        Giai đoạn 3: Từ đầu tháng Chín đến đầu tháng Mười, VN-Index tăng trưởng lên tới 1.107 điểm.

·        Giai đoạn 4: Từ đầu tháng 10 đến nay (24 tháng 10), VN Index đang dao động xoay quanh mức 1.070-1.110.

·        Giai đoạn 5: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

 

Như vậy, mục tiêu của các nhà phân tích thị trường là tìm ra hướng đi của VN-Index trong giai đoạn 5. Đây đương nhiên không phải là nhiệm vụ dễ dàng, và với tôi cũng vậy, bởi nếu là quá dễ thì tôi đã lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ ở Hawaii với số tiền kiếm được hơn là ngồi bên máy tính để viết những dòng này. Nhưng, như tôi đã nói, tôi sẽ tưởng tượng xem điều gì đã, đang và sẽ diễn ra, để biết đâu dấy, chúng ta sẽ cùng gặp nhau ít ra là ở Vinpearl mùa hè tới. Hãy đừng làm việc gì khác và câu chuyện của chúng ta bắt đầu…

Tôi chia những người tham gia thị trường thành hai nhóm chính: nhóm các con cáo già gồm những người nhiều kinh nghiệm và nhóm những con thỏ non gồm những người mới tham gia thị trường. Cả hai nhóm này đều có thể là người mua và người bán.

Giai đoạn một là giai đoạn giá giảm mạnh. Nhìn chung, giá giảm phần lớn là do cung lớn hơn cầu hay nói khác đi, không có nhiều người mua. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng đặc điểm chung của thời kỳ này là lượng giao dịch sẽ giảm dần, giảm dần. Nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi khi VN-Index giảm xuống mức 900 điểm – là mức hỗ trợ gần nhất trước đó. Những người mua tiềm năng (thường nhưng không hoàn toàn là những con cáo già) bắt đầu nhận thấy rằng, đó là giá thích hợp để mua và họ bắt đầu mua vào. Những người bán cũng không còn nhận thấy rằng, giá có thể giảm được nữa và họ bắt đầu chờ đợi. Kết quả là lực mua và bán sẽ trở nên cân bằng. Đây chính là lúc giai đoạn hai bắt đầu.

Giai đoạn hai là giai đoạn cân bằng giữa lực cung và cầu. Nói cách khác, đây là giai đoạn thị trường trong thời kỳ quá độ, hay tích tụ, và không có bất cứ một quy luật nào cho thời kỳ này. Tuy vậy, nếu các yếu tố cơ bản thay đổi, chẳng hạn như kết quả kinh doanh được công bố và tác động của các báo cáo là tích cực, thì đó sẽ là một cú hích để thị trường đi lên. Ở giác độ kỹ thuật, chúng ta để ý yếu tố sau đã xảy ra: ở những ngày/tuần giá giảm, lượng giao dịch thường thấp hơn so với ngày/tuần tăng. Đặc biệt, tại những điểm đáy lượng tăng mạnh. Điều này hàm ý rằng cầu mạnh tương đối so với cung. Kết luận này cùng với nhận định về các yếu tố cơ bản cho chúng ta gợi ý rằng, thị trường sẽ tăng trưởng. Và với các nhà phân tích kỹ thuật, khi đường giá bắt đầu vượt qua đường trung bình (vòng tròn), đó chính là lúc niềm tin rằng thị trường tăng trưởng được củng cố và giai đoạn ba của chúng ta nối tiếp.

Giai đoạn ba là giai đoạn thị trường bùng nổ mạnh sau một thời kỳ được gọi là tích tụ. Chúng ta hãy để ý rằng, đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là sự tăng lên nhanh chóng của khối lượng. Điều này được nhìn nhận là những người mua tiềm năng ở giai đoạn hai đã nhìn ra triển vọng thị trường và bắt đầu tăng mua. Những người mua ở giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng hầu hết là những con cáo già. Khi chỉ số VN-Index tăng trưởng nhanh tới mức cao, sức hút của nó càng lớn và lúc đó, thật không may, lại là lúc các con thỏ non bắt đầu nhảy vào thị trường. Lúc này cũng chính là lúc các con cáo già, sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng, bắt đầu bán ra trong khi những con thỏ non ngây thơ vẫn tiếp tục nhảy vào. Và một giai đoạn mới lại tiếp diễn.

(Trước khi tiếp tục, tôi xin nhấn mạnh rằng những ai đã từng nhấn mạnh Chỉ thị 03 như một nguyên nhân làm thị trường giảm sút, thì nay lý do đó sẽ không còn đáng tin cậy nữa bởi một điều đơn giản là những con cáo già đã bán hết những gì đã có để đáp ứng Chỉ thị 03. Sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn ba là một cơ hội tuyệt vời để tháo chạy.)

Giai đoạn bốn, có thể gọi là giai đoạn phân phối, là giai đoạn thị trường nằm trong sự cân nhắc của những người bán – những con cáo già, và người mua – những con thỏ non. Tương tự như giai đoạn hai, đây là giai đoạn mà khoảng thời gian diễn ra sẽ không đoán trước được. Nhưng, một lần nữa chúng ta sẽ đưa ra những căn cứ để dự báo. Có 3 nhân tố cơ bản khiến thị trường nhìn chung đã quá cao so với đáng ra nên có: lạm phát và tăng trưởng, PE cao được đề cập nhiều lần, IPO các công ty lớn tạo lo ngại về tăng cung[2]. Xét về mặt kỹ thuật, chúng ta nhận thấy những lo ngại sau đây: trong những ngày VN-Index tăng, khối lượng giao dịch thấp trong khi những ngày VN-Index giảm khối lượng giao dịch cao hơn. Đặc biệt, điểm đỉnh gắn liền với khối lượng tăng cao. Điều này hàm ý rằng, lực cung đang có xu hướng mạnh lên trong thời kỳ này. Nói cách khác, những con cáo già đã và tiếp tục bán ra trong khi những con thỏ non thì bắt đầu run sợ thị trường giảm. Điều gì sẽ xảy đến nếu thỏ non bán ra những gì đã mua?

Với những quan sát như vậy, niềm tin trong tôi rằng, thị trường sẽ tăng trưởng tới 1.200 điểm hay thậm chí cao hơn như rất nhiều các chuyên gia phân tích dự báo gần đây, đã giảm sút mạnh. Tôi tin rằng, giai đoạn Năm đang đón đợi và một sự tăng trưởng thần kỳ sẽ chỉ xảy ra vào quý I năm 2008.

… Và câu chuyện của chúng ta đã kết thúc, các bạn hãy trở lại với thực tại. Thị trường hôm nay (26 tháng 10) đóng của ở mức 1.092, giảm 3,05 điểm, nhưng vẫn nằm trong dải dao động giai đoạn 4. Bạn có thể tin hay không tin câu chuyện của tôi, bởi đơn giản là tôi nhìn thị trường khác bạn. Nhưng, hãy thử tưởng tượng xem… đó chính là phân tích kỹ thuật.


[*] Bài viết này dành cho những nhà đầu tư nghiệp dư quan tâm tới phân tích kỹ thuật.
[2] Tác giả đề cập tới thuyết “Thị trường hiệu quả” theo cách dành cho người không chuyên. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về ba mức độ của thị trường hiệu quả.
[3] Các nhân tố này được đề cập trong báo cáo Triển vọng thị trường quý IV phát hành ngày 9 tháng 10 của Công ty Chứng khoán Thăng Long

Quách Mạnh Hào, Giảng viên tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà nội; Phụ trách khối Phân tích - Đầu tư tại CTCK Thăng Long
Quách Mạnh Hào, Giảng viên tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà nội; Phụ trách khối Phân tích - Đầu tư tại CTCK Thăng Long

Tin cùng chuyên mục