Phân tích doanh nghiệp và lựa chọn cổ phiếu

NĐT thực hiện hoạt động phân tích cơ bản phải trải qua 3 giai đoạn: phân tích vĩ mô nền kinh tế và TTCK nhằm xác định tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu; phân tích các ngành kinh doanh nhằm xác định ngành có thu nhập trên mức rủi ro trung bình.
Phân tích doanh nghiệp và lựa chọn cổ phiếu có sự khác biệt. Phân tích doanh nghiệp và lựa chọn cổ phiếu có sự khác biệt.

Lúc này, NĐT phải trả lời câu hỏi cuối cùng trong quy trình phân tích cơ bản: có DN nào trong ngành kinh doanh đã được chọn là tốt nhất và cổ phiếu của nó đang ở dưới giá trị hay không.

Phân tích DN và lựa chọn cổ phiếu có sự khác biệt. Cổ phiếu của DN tốt không nhất thiết là khoản đầu tư tốt. Việc phân tích cho phép đánh giá về chất lượng DN, đội ngũ quản lý và triển vọng của nó trong tương lai. Tuy nhiên, giá trị của một DN không phải là sự phản ánh nhu cầu đầu tư vào cổ phiếu của DN đó. Trong lựa chọn cổ phiếu, NĐT phải so sánh giá trị thực của một cổ phiếu với giá trị thị trường để quyết định xem có nên đầu tư vào cổ phiếu đó không. Cổ phiếu của một DN tốt với đội ngũ quản lý có năng lực và kết quả hoạt động cao có thể có giá trị quá cao so với giá trị thực, loại cổ phiếu này không nên đầu tư. Ngược lại, cổ phiếu của một DN có kết quả hoạt động kinh doanh có thể không tốt bằng, song giá thị trường lại thấp hơn giá trị thực của nó thì việc đầu tư cổ phiếu này sẽ giúp NĐT có thể kiếm được thu nhập từ việc tăng giá cổ phiếu. Trong lựa chọn cổ phiếu cần nắm rõ một số điểm cơ bản sau.

 

DN phòng vệ và cổ phiếu phòng vệ

DN phòng vệ là những DN mà thu nhập tương lai của chúng có thể ít có biến động khi khủng hoảng kinh tế. Những DN này có rủi ro kinh doanh thấp và không có rủi ro tài chính vượt mức, ví dụ điển hình của dạng này là những ngành phục vụ công cộng hoặc buôn bán tạp phẩm, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng.

Có 2 khái niệm liên quan về cổ phiếu phòng vệ. Thứ nhất, tỷ suất lợi nhuận của một cổ phiếu phòng vệ được kỳ vọng không giảm sút trong giai đoạn xuống dốc của toàn bộ thị trường. Thứ hai, mô hình CAPM chỉ ra rằng, rủi ro của một tài sản là hiệp phương sai của nó với danh mục đầu tư của thị trường gồm các tài sản rủi ro, là rủi ro có hệ thống của một tài sản. Theo lý thuyết này, một cổ phiếu có rủi ro hệ thống thấp có thể được coi như là một cổ phiếu phòng vệ.

 

DN có tính chu kỳ và cổ phiếu có tính chu kỳ

Doanh số bán và thu nhập của DN chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều hoạt động kinh doanh. DN này sẽ ăn nên làm ra trong quá trình phát triển của nền kinh tế và lâm vào khó khăn khi nền kinh tế suy thoái. Mô hình thu nhập hay thay đổi này là tác động rủi ro kinh doanh của DN và có thể bao gồm cả rủi ro tài chính.

Một cổ phiếu chu kỳ sẽ có tỷ suất lợi nhuận thay đổi lớn hơn thay đổi của tỷ suất lợi nhuận toàn thị trường. Đối với mô hình CAMP thì các cổ phiếu này có rủi ro hệ thống cao. Cổ phiếu của DN có tính chu kỳ tất nhiên cũng không nhất thiết là cổ phiếu chu kỳ. Cổ phiếu có tính chu kỳ là cổ phiếu của bất kỳ DN nào có tỷ suất lợi nhuận thay đổi nhiều hơn so với toàn bộ thị trường.

Vì cổ phiếu chu kỳ phản ánh một cách mạnh mẽ hơn nhiều đối với thay đổi của nền kinh tế, trong khi sự lên - xuống của nền kinh tế là hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, để đầu tư thành công vào cổ phiếu chu kỳ, đòi hỏi phải có sự dự đoán cẩn trọng. NĐT sẽ kiếm được khoản lợi nhuận lớn nếu như dự đoán đúng thời điểm chúng xuống đến đáy và bắt đầu lên trở lại. Mặt khác, cũng rất có thể bị mất khoản vốn lớn nếu chọn sai thời điểm đầu tư.

 

DN tăng trưởng và cổ phiếu tăng trưởng

DN tăng trưởng là DN có bề dày lịch sử, phát triển mạnh, có mức tăng doanh thu và thu nhập lớn hơn mức trung bình. Khái niệm này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn do bẫy kế toán hoặc nhiều DN có sự lớn mạnh dựa vào liên doanh, liên kết hoặc cách thức khác.

Các nhà tài chính định nghĩa DN tăng trưởng là DN với đội ngũ quản lý có năng lực và có cơ hội thực hiện đầu tư để thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận yêu cầu. Ví dụ như một DN tăng trưởng có cơ cấu vốn ở mức chi phí vốn trung bình là 10%, có khả năng quản lý cũng như cơ hội đầu tư vào các dự án với tỷ suất lợi nhuận 15 - 20%. Kết quả của cơ hội đầu tư này là doanh số bán và thu nhập của DN sẽ lớn hơn DN khác có cùng rủi ro và toàn bộ nền kinh tế. Thêm vào đó, DN tăng trưởng với cơ hội đầu tư trên mức trung bình thường giữ lại phần lớn thu nhập để đầu tư vào dự án có chất lượng cao. Điểm quan trọng là xu hướng giữ lại nhiều lợi nhuận và tốc độ phát triển nhanh của doanh số bán và thu nhập lại chính là kết quả của cơ hội đầu tư tốt.

Cổ phiếu tăng trưởng không nhất thiết là cổ phiếu của DN tăng trưởng. Cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu có tỷ suất thu nhập cao hơn cổ phiếu khác trên thị trường với cùng độ rủi ro. Cổ phiếu đạt được thu nhập cao là vì ở một số thời điểm, thị trường đánh giá nó là có giá trị kém hơn cổ phiếu khác. Mặc dù thị trường luôn điều chỉnh giá cổ phiếu phù hợp, nhanh chóng và chính xác để phản ánh thông tin mới, nhưng thông tin có sẵn thường không hoàn hảo. Bởi vậy, thông tin không hoàn hảo và đầy đủ có thể là nguyên nhân khiến một số cổ phiếu bị giảm giá hoặc làm giảm giá hầu hết cổ phiếu ở một thời điểm nào đó.

Nếu cổ phiếu ở dưới giá trị, giá của nó cuối cùng sẽ tăng để phản ánh giá trị gốc khi xuất hiện thông tin chính xác. Trong suốt giai đoạn điều chỉnh giá, thu nhập thực tế vượt quá thu nhập kỳ vọng đối với rủi ro của cổ phiếu và nó sẽ được coi như là cổ phiếu tăng trưởng cho đến thời điểm này.

Cổ phiếu tăng trưởng trong tương lai chính là cổ phiếu đang ở dưới giá trị, có khả năng trở lại đúng giá trị trong thời gian ngắn, nghĩa là cổ phiếu tăng trưởng không nhất thiết hạn chế trong DN tăng trưởng. Trên thực tế, nếu nhà đầu tư nhận ra một DN tăng trưởng và chiết khấu dòng tiền thu được trong tương lai một cách hợp lý, thì giá thị trường hiện tại của cổ phiếu DN đó sẽ phản ánh dòng tiền DN kiếm được trong tương lai. Như vậy, nhà đầu tư kiếm được cổ phiếu của một DN ở mức giá thị trường chuẩn sẽ nhận được tỷ suất thu nhập phù hợp với mức độ rủi ro của cổ phiếu ngay cả khi DN đạt được thu nhập vượt mức.

 

DN đầu cơ và cổ phiếu đầu cơ

DN đầu cơ là DN mà tài sản của nó bao gồm nhiều tài sản có độ rủi ro cao, nhưng cũng có khả năng sinh lợi lớn.

Một cổ phiếu đầu cơ có khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm và ít khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình hoặc cao. Nó có thể là cổ phiếu của DN đầu cơ, hoặc là ngược lại với cổ phiếu tăng trưởng. Cụ thể, cổ phiếu đầu cơ là loại cổ phiếu được đánh giá quá cao, vì vậy vào thời kỳ tương lai khi thị trường điều chỉnh giá cổ phiếu về đúng giá trị thực, nó sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận rất thấp hoặc có thể âm. Đó có thể là trường hợp của một DN phát triển cực thịnh và cổ phiếu của nó đang bán với tỷ lệ giá/thu nhập (P/E) quá cao.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ