Bất ngờ 2008
Năm 2007, VN-Index đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh mạnh: mức giảm 21% từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4; mức giảm 18% từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8 và mức giảm 19% từ tháng 10 đến cuối năm. Kết thúc chu kỳ đó, các cổ phiếu niêm yết bước vào năm 2008 với mặt bằng giá chỉ cao hơn gần 20% so với đầu năm 2007, hoàn toàn hợp lý với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 20 - 50% của hầu hết doanh nghiệp. Các nhóm cổ phiếu OTC vang bóng một thời, như cổ phiếu ngân hàng, đã được điều chỉnh mạnh, giá giảm khoảng 50% so với một năm trước. Nhiều nhà phân tích đã đánh giá, năm 2007 là năm TTCK Việt Nam điều chỉnh và tích lũy. Rất không may là tình hình năm 2008 xấu hơn kịch bản bi quan nhất được chuẩn bị trước đó. Chỉ qua 16 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, 30% giá trị tài sản của nhà đầu tư tại sàn HOSE đã mọc cánh bay đi theo đà bốc hơi của VN-Index; tổng thiệt hại nếu tính cả sàn chứng khoán Hà Nội và thị trường OTC lớn đến mức khó tưởng tượng được.
Và mặc dù mặt bằng giá đã giảm đến gần 50% trong vòng chưa đến 6 tháng, các tổ chức nước ngoài hầu như chỉ đứng nhìn thay vì mua vào. Những lần "buôn dưa" với phóng viên ĐTCK, nhiều yếu nhân phụ trách đầu tư của các quỹ đều có chung lo ngại, đặc biệt đối với tình hình ngày càng xấu đi của kinh tế thế giới.
Trên một niềm tin tưởng lạc quan rằng, tình hình kinh doanh chung của các công ty niêm yết tài khoá 2007 vẫn tốt và tình hình kinh tế cơ bản của Việt Nam vẫn ổn, hoàn cảnh bi đát của thị trường hôm nay đã không được dự báo đúng mức từ trước. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các quỹ đầu tư có kinh nghiệm dày dạn, tầm nhìn quốc tế và sự am hiểu Việt Nam cũng bị đánh úp. Theo ghi nhận của ĐTCK, các tổ chức, quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn có động thái mua vào nhiều hơn bán ra tại thời điểm cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Tính đến nay, giá trị tài sản mà các quỹ này đang nắm giữ cũng giảm một lượng khoảng trên 30%.
Thế giới đối mặt với khủng hoảng
Đến thời điểm này, thế giới đã không còn quá kiêng cữ với khái niệm về một cuộc suy thoái xuất phát từ cơn bão khủng hoảng tín dụng nhà đất Mỹ, tấn công qua châu Âu và bắt đầu càn quét qua châu Á. Những tổ chức tài chính lớn nhất toàn cầu giờ đây đang đứng trước những khoản lỗ khổng lồ, đến mức chính phủ nhiều nước phải bỏ tiền ra cứu nguy.
Trong 2 ngày đầu tuần, các cơ quan báo đài trong nước cũng liên tục đưa tin về tình hình ngày càng xuống dốc của nền kinh tế Mỹ, một số số liệu gây ấn tượng mạnh là 45% nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái thật sự vào cuối năm nay. Thông tin khác cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bơm thêm 60 tỷ USD (tổng cộng 160 tỷ USD tính từ đầu năm) để cứu vãn tình thế. Ngoài ra, USD giảm xuống mức thấp nhất so với đồng tiền chung châu Âu và giá dầu, giá vàng tăng lên mức kỷ lục. Người ta nhìn thấy cả thế giới đang căng mình ra chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Chúng ta phải sẵn sàng
Nhiều người đến nay vẫn tranh cãi và bảo vệ quan điểm rằng, TTCK Việt Nam không chịu ảnh hưởng nhiều từ diễn biến thế giới. Có lẽ là do căn bệnh sợ khủng hoảng đang ngày càng lan rộng. Do đó, VN-Index và HASTC-Index sụt giảm được đổ cho những nguyên nhân khó xác định như phản ứng thái quá của nhà đầu tư, tâm lý bầy bàn… Nghĩa là chúng ta đang lạc quan trong một tình cảnh thế giới năm 2008 gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, những khó khăn ngay ở Việt Nam lại không được nhìn nhận đúng mức.
Với tình hình giá cả 2 tháng đầu năm cộng với việc tăng giá xăng dầu, nhiều thành viên Chính phủ đã nhìn nhận rằng, rất khó để lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đã giao. Mặt khác, chi phí lãi vay của doanh nghiệp hiện đã tăng gần 50% trong khi giá các loại nguyên vật liệu và nhân công cũng đồng loạt leo thang, DN sẽ làm gì khi chi phí đầu vào tăng, mà đầu ra là một thị trường toàn cầu đang thắt lưng buộc bụng?
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp chúng ta đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi các khoản đầu tư tài chính và bất động sản đã và đang không thể thành công lớn như được chờ đợi. Nói như thế không có nghĩa là việc VN-Index và HASTC-Index trong thời gian qua đã hoàn toàn phản ánh đúng thực chất tình hình kinh doanh của DN, nhưng cũng phản ánh đúng xu hướng, mặc dù mức độ có hơi thái quá trước tâm lý lo ngại mất mát của nhà đầu tư.
Với các nhà đầu tư còn đang trơ gan cùng với thị trường, đa số có tâm trạng rất lo ngại nhưng không sợ nhiều nữa. Họ lạc quan rằng, 50% giá trị tài sản đã mất trong 6 tháng qua là một bảo đảm cho thấy thị trường không ảo, thậm chí còn thật hơn những gì "mắt thấy, tay sờ"; bởi vì, giá đó đã tính trước một phần dự phòng cho tình huống xấu hơn trong tương lai. Nếu ngày mai xấu hơn, có lẽ các nhà đầu tư có thể mất thêm 20%, nhưng sau giai đoạn cam go đó, phần thưởng có thể là rất lớn.