"Phân tải" việc trả lương qua tài khoản

(ĐTCK-online) Kể từ ngày 1/1/2008, các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện trả lương cho người lao động qua tài khoản ngân hàng. Hàng triệu tài khoản sẽ được mở trong thời gian tới hứa hẹn một tương lai sán lạn cho thị trường thẻ Việt Nam. "Để thị trường thẻ thanh toán thực sự phát triển thì riêng hệ thống ngân hàng không thể thực hiện được, mà cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn nhận định.
Ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Vũ Viết Ngoạn.

Thưa ông, về kỹ thuật, hệ thống ngân hàng liệu có bảo đảm việc trả lương qua tài khoản cho toàn bộ cán bộ, công chức kể từ năm 2008?

Về kỹ thuật, tôi nghĩ, hệ thống ngân hàng hoàn toàn bảo đảm được việc trả lương qua tài khoản cho toàn bộ cán bộ, công chức và cả khối DN. Không cần phải đợi đến năm 2008, mà nếu cần, ngay ngày mai việc này có thể thực hiện được. Việc trả lương qua tài khoản không đơn thuần là việc ngân hàng trả hộ lương, mà vấn đề đặt ra là khi ngày càng có thêm nhiều người mở tài khoản thì dịch vụ của ngân hàng phải phong phú hơn, tiện lợi hơn.

 

Dịch vụ ngân hàng thì rất nhiều, theo ông, để đáp ứng nhu cầu trả lương qua tài khoản, dịch vụ nào cần ưu tiên đầu tư?

Dịch vụ thanh toán điện tử, nhưng để phát triển dịch vụ này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng không thể thực hiện được. Muốn phát triển dịch vụ thanh toán điện tử, không chỉ đòi hỏi hệ thống ngân hàng đầu tư công nghệ, mà ngành viễn thông cũng phải đầu tư công nghệ đồng bộ. Ngoài ra, bên cung ứng dịch vụ như điện, nước, điện thoại, nhà hàng, siêu thị… cũng phải chấp nhận thanh toán điện tử. Chỉ cần một trong số các cơ quan, tổ chức kể trên không tham gia thì thanh toán điện tử cũng khó trở thành hiện thực.

 

Thị trường thẻ của Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển, nhưng cũng rất phiền toái và lãng phí nếu người dân phải sử dụng nhiều loại thẻ khác nhau. Theo ông, có nên thiết lập một hệ thống thẻ giữa các ngân hàng để có thể sử dụng chung?

Mục tiêu hàng đầu của bất cứ DN nào (trừ DN công ích) là lợi nhuận, nếu các ngân hàng thấy rằng, việc thống nhất hệ thống thẻ đem lại lợi nhuận thì họ sẽ thực hiện, mà không cần có sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Có phải do là người từng giữ cương vị Tổng giám đốc VCB - Ngân hàng đang chiếm thế "thượng phong" trên thị trường thẻ nên ông không muốn chia sẻ lợi ích của VCB cho các ngân hàng khác?

VCB không độc quyền trong lĩnh vực này, mà đã cho 17 ngân hàng khác tham gia kết nối với hệ thống thẻ của mình.

 

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường thẻ Việt Nam ?

Hiện có nhiều ngân hàng nước ngoài muốn thành lập ngân hàng con tại Việt Nam, đầu tư vào các ngân hàng trong nước, nhưng họ không quan tâm nhiều đến việc cung cấp tín dụng, mà họ quan tâm đến sự phát triển của thị trường thẻ. Điều này cho thấy, việc đầu tư vào thị trường thẻ của các ngân hàng trong nước rất hiệu quả. Hiện mới có 7 - 8% dân số mở tài khoản ngân hàng, trong tương lai thị trường thẻ tiếp tục sôi động.

 

Trở lại với việc trả lương qua tài khoản, ông có lo ngại trước việc hàng trăm cán bộ, công chức xếp hàng để rút tiền sau mỗi kỳ lương?

Đây là vấn đề rất lớn, nhưng có nhiều cách để xử lý. VCB khi thực hiện trả lương qua tài khoản cho các DN tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất, cứ đến ngày lĩnh lương, hàng ngàn công nhân xếp hàng tại các máy ATM để rút tiền. Tại Khu công nghiệp Tân Thuận, VCB trang bị tới 20 máy ATM, nhưng đến ngày lĩnh lương, công nhân vẫn phải xếp hàng. Để xử lý việc này, Chi nhánh VCB Tân Thuận đã đàm phán với các DN trong Khu chế xuất để phân tải ngày trả lương. Tôi nghĩ, khi trả lương qua tài khoản, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng nên phân tải ngày trả lương, không nhất thiết cứ phải trả lương vào ngày đầu tháng hoặc giữa tháng.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ