Phân ngành Việt Nam: Nhà đầu tư bối rối

(ĐTCK) Hiện Việt Nam có quá nhiều công ty hoạt động đa ngành đa nghề, trong đó không có ngành nào có doanh thu quá 50%, nên việc phân ngành theo các tiêu chí như doanh thu gặp khó khăn.
Phân ngành Việt Nam: Nhà đầu tư bối rối

TTCK Việt Nam hiện có 706 mã niêm yết, 130 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM và trên 1.000 công ty đại chúng đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Mỗi DN trong số đó hoạt động trong một hoặc nhiều ngành nghề khác nhau, do đó, rất cần có sự phân định rõ ràng và thống nhất khi phân ngành các DN trên TTCK hiện nay.

Phân ngành để làm gì?

Việc phân ngành các DN trên TTCK mang nhiều ý nghĩa. Nó giúp cho NĐT có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng của một nhóm các DN cùng ngành nghề, thay vì chỉ nhìn cận cảnh từng DN. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nên những bộ chỉ số ngành, tạo tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh, các quỹ ETF. Việc phân tích ngành cũng giúp NĐT phát hiện các cổ phiếu tiềm năng.

Hiện nhiều chuyên gia phân tích thường áp dụng phương pháp Top – Down. Đây là phương pháp tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng dựa trên việc xác định các ngành tốt nhất sau đó tìm kiếm các cổ phiếu tốt nhất trong ngành đó.

Theo CTCK Bảo Minh (BMSC), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, biến động của chỉ số ngành liên quan ít nhất 50% đến biến động giá của cổ phiếu trong ngành. Các chuyên gia của BMSC nhận định, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi thì điều quan trọng là NĐT phải biết dòng tiền đang đổ về đâu? Ngành nào và cổ phiếu nào đang "hot". Sau khi chọn được ngành tốt thì sẽ tiếp tục xem xét cổ phiếu tốt nhất trong ngành để đầu tư. Việc phân tích các tín hiệu mua - bán theo ngành cũng giúp NĐT nhận biết được khi nào nên đầu tư hoặc thoái vốn khỏi ngành đó.

 

Chuẩn phân ngành ở đâu?

Theo thống kê của ĐTCK, hiện hai Sở GDCK Hà Nội (HNX) và TP. HCM (HOSE) đều tiến hành phân ngành DN. Tuy nhiên, mỗi sở lại tiến hành một cách riêng rẽ, nên kết quả chưa thực sự hài hòa và thống nhất. Ngoài ra, việc phân ngành này chỉ được tiến hành định kỳ, nên không có tính cập nhật liên tục.

Theo đại diện HNX, Sở đã tự xây dựng hệ thống ngành kinh tế HaSIC, lấy tiêu chí phân ngành theo doanh thu. Còn theo tài liệu mà HOSE công bố 2 năm trước, căn cứ để đơn vị này phân ngành DN là dựa vào hoạt động kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong 3 năm liền kề của DN. Quy ước phân ngành được áp dụng theo Quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Hiện HOSE có 305 DN và 6 chứng chỉ quỹ niêm yết, nhưng theo website của HOSE, hiện mới có 280 mã được phân ngành.

Phân ngành Việt Nam: Nhà đầu tư bối rối ảnh 1

 

Ma trận ngành của các CTCK

Chính vì chưa có chuẩn phân ngành chung, nhiều CTCK đã tự thực hiện những nghiên cứu phân ngành của riêng mình. Vì thế, ma trận ngành càng trở nên rối hơn, khiến NĐT chẳng biết đâu mà lần. Biển Việt (sau đổi tên thành Woori CBV) là một trong những CTCK đầu tiên tự thực hiện việc phân ngành DN trên TTCK. Hầu hết CTCK đều phân ngành theo chuẩn ICB của Mỹ, một số dùng chuẩn ISIC của Liên Hợp quốc… chủ yếu với mục đích đón nhận làn sóng vốn ngoại, nhằm giúp NĐT nước ngoài hiểu hơn về TTCK Việt Nam.

Có khá nhiều bất ngờ về việc phân ngành này. Đơn cử như chuyện HNX phân Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) ở chung nhóm ngành với các công ty dịch vụ vận tải biển như VNT, VFR, VNF, SHC, PCT, SSG. Nhựa Tiền Phong (NTP) được xếp cùng với Thủy điện Nậm Mu… Trên HOSE, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) được xếp chung nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với các ngân hàng VCB, EIB… và CTCK như SSI, HSC…

Theo giới chuyên gia, cả hai sở hiện đều phân ngành dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam (VSIC 2007), nhưng việc phân cấp lại khác nhau và cách thức công bố cũng khác nhau. Ví dụ, HOSE phân đến cấp 3 nhưng mới công bố cấp 2, HNX phân đến cấp 3 nhưng mới công bố cấp 1.

Hiện Việt Nam có quá nhiều công ty hoạt động đa ngành đa nghề, trong đó không có ngành nào có doanh thu quá 50%, nên việc phân ngành theo các tiêu chí như doanh thu gặp khó khăn. Lý giải vấn đề này, một chuyên gia ở Tổng cục Thống kê cho biết, bảng phân ngành VSIC chỉ nhắm vào hàng hóa và dịch vụ, chứ không nhằm phân loại công ty. Nếu muốn phân ngành theo công ty thì phải điều chỉnh.

Có ý kiến cho rằng, việc để nhiều chủ thể cùng tiến hành phân ngành dễ dẫn đến rối. Nên có một cơ quan độc lập tiến hành phân ngành TTCK Việt Nam , như Tổng cục Thống kê chẳng hạn.

Nguyễn Quang
Nguyễn Quang

Tin cùng chuyên mục