Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh được mở cửa đã tạo ra những bước phát triển quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau hơn 4 năm hoạt động, chứng khoán phái sinh đã thể hiện rõ vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả của nhà đầu tư trên thị trường cơ sở.
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, lợi ích của chứng khoán phái sinh mang lại còn nằm ở tính hấp dẫn của kênh đầu tư này với tỷ lệ đòn bẩy cao, tính thanh khoản tốt và các tiện ích giao dịch hầu như rất hiện đại làm cho việc giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Hợp đồng tương lai là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm và 10 năm).
Hiện nay, sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 có thanh khoản cao và ổn định nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh trong nước. Theo thống kê, năm 2020, số lượng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt hơn 39,9 triệu hợp đồng, tăng 79,9% so với năm 2019. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 158.390 hợp đồng/phiên, con số này đã tăng 78,49% so với năm 2019, gấp 2 lần năm 2018 và gấp hơn 14 lần so với năm 2017.
Từ bước tăng trưởng ấn tượng, phát triển thị trường phái sinh được xem là quyết định đúng đắn, phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường cũng như cấu trúc hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Các chuyên gia trong ngành đã nhiều lần dự báo về triển vọng phát triển của chứng khoán phái sinh Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn.
Tại hội thảo “Chứng khoán phái sinh và xu hướng thị trường trong tương lai” do Chứng khoán Smart Invest tổ chức ngày 5/11 mới đây, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Smart Invest kỳ vọng: “Chứng khoán phái sinh sẽ tiếp tục xu hướng bám sát vào VN30 và ngày càng nở rộ trên thị trường. Ngoài ra, hợp đồng quyền chọn cũng sẽ sớm được xúc tiến, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta trên mảnh đất đầu tư tài chính màu mỡ”.
Những điểm nhà đầu tư cần lưu ý
Theo ông Khánh, mục tiêu ban đầu của chứng khoán phái sinh là giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro khi tham gia chứng khoán cơ sở. Nếu dự đoán thị trường có thể đi xuống, nhà đầu tư không cần bán cổ phiếu cơ sở mà vẫn có “hedging” (cách nhà đầu tư bảo vệ danh mục của mình trước biến động của thị trường) phái sinh để bù lỗ.
“Nhưng hiện nay, phần lớn nhà đầu tư không còn quá chú trọng đến mục tiêu cao nhất của phái sinh, mà đang có xu hướng biến nó thành môi trường đầu cơ kiếm lời ngắn hạn”, ông Khánh khẳng định.
Thực tế, thị trường phái sinh hấp dẫn vì tiền nhà đầu tư bỏ vào không cần quá lớn nhưng tỷ suất lãi cao. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư “ngó lơ” cả thị trường cơ sở, chỉ tập trung vào phái sinh bởi đặc trưng “mua phút trước, bán phút sau” và có tính gây “nghiện” cao.
Ông Khánh phân tích, các nhà đầu tư hiện giao dịch chủ yếu bằng đồ thị ở trạng thái ngắn, chỉ trong 2 - 3 phút/lệnh. Về bản chất, tần suất giao dịch càng nhiều thì tỷ lệ thua lỗ sẽ càng cao. Mặc dù nhà đầu tư có thể thắng trong vài lần giao dịch, nhưng một lần thua thì cũng phải trả lại tương đương thậm chí nhiều hơn, vì điểm số khi đã giảm thường giảm mạnh hơn tăng.
Đồng thời, giao dịch càng nhiều lệnh, chi phí nhà đầu tư phải bỏ ra sẽ càng lớn. Có thể hình dung rằng nhà đầu tư nạp vào tài khoản 25 triệu đồng và ngày nào cũng giao dịch với tần suất nhiều thì tổng phí mà nhà đầu tư đó phải bỏ ra cho cả tháng sẽ rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng, chiếm gần 20% chi phí ban đầu. Để được coi là lãi, nhà đầu tư phải kiếm được số lợi nhuận gấp đôi.
Mặt khác, khi tham gia phái sinh, nhà đầu tư chủ yếu quan sát đồ thị 1 giờ và đồ thị 5 phút, việc mua hoặc bán sẽ dựa vào tín hiệu kỹ thuật. Để có hiệu quả hơn, ông Khánh khuyên rằng, nhà đầu tư nên tìm những điểm dự báo chỉ số sẽ tăng mạnh và chỉ cần mua 1 lệnh/tháng, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn rất nhiều so với việc giao dịch theo tần suất dày.
Chuyên gia đến từ Chứng khoán Smart Invest cũng đánh giá cao phương án nhà đầu tư có thể ủy thác cho các tổ chức có thể giao dịch ask - bid (chênh lệch giá mua và giá bán). Nguyên nhân là các tổ chức sẽ có xu hướng quan tâm nhiều đến tìm kiếm chênh lệch giá chiều lên - xuống hơn dự báo chỉ số tăng - giảm, tỷ lệ chắc chắn cho nhà đầu tư sẽ cao và ổn định hơn đoán chỉ số thuần túy.
Đặc biệt, nhà đầu tư nên đưa phái sinh vào đúng mục tiêu ban đầu của nó là phòng vệ khi thị trường cơ sở có biến động và phân tán rủi ro cho danh mục của mình.
“Nếu thị trường giảm, lợi nhuận từ phái sinh sẽ được bù đắp cho khoản sụt giảm của cổ phiếu đang nắm giữ. Ngược lại, nhà đầu tư cũng nên coi việc thua lỗ trên phái sinh là chi phí bảo hiểm cho danh mục cơ sở của mình”, ông Khánh đánh giá.
Hợp đồng quyền chọn là một trong những sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh cho phép người nắm giữ nó có quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở vào một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã được xác định từ trước. Tài sản cơ sở thường là chỉ số, cổ phiếu hoặc hàng hóa…
Ở Việt Nam, hiện chưa phát triển sản phẩm này trong khi trên thế giới, hợp đồng quyền chọn đã ra đời từ lâu. Những giao dịch quyền chọn bán và quyền chọn mua được ghi nhận ở các quốc gia châu Âu và Mỹ từ những năm 1900, đầu thế kỷ XVIII.
Theo lý giải của ông Vũ Duy Khánh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã cải thiện đáng kể, nhưng kỹ thuật bán khống (hoạt động kiếm lợi nhuận từ việc giảm giá của chứng khoán) chưa được thực hiện nên nhà đầu tư rất dễ thua lỗ. Quyền chọn ở Việt Nam đang là quyền chọn mua cổ phiếu, không có bán. Còn ở các thị trường phát triển, quyền chọn bán chiếm 40 - 50% khối lượng sản phẩm quyền chọn.