Theo bà Vân, với khoảng 2 triệu m2 tổng nguồn cung toàn thị trường, trong đó, nguồn cung hạng A chiếm khoảng trên 30% và tỷ lệ lấp đầy thường trên 90%. Điều này cho thấy, ở phân khúc văn phòng tại Hà Nội đang là thị trường của bên cho thuê. Bên thuê có ít vị thế hơn trong việc đàm phán thuê và hiện các chủ đầu tư văn phòng đang khá thoải mái với hiệu suất thuê và khả năng sinh lời.
Trong quý III/2019, tỷ lệ lấp đầy của thị trường văn phòng Thủ đô đạt 92,5%. Trong khi ở phân khúc hạng B tiếp tục sôi động với việc có thêm 3 tòa nhà mới, thì phân khúc hạng A lại trầm lắng hơn khi không có thêm nguồn cung bổ sung.
Văn phòng đang là thị trường của bên cho thuê càng thể hiện rõ khi giá thuê trung bình thị trường văn phòng hạng A và B tăng nhẹ 0,3% so với quý II/2019 và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,8 USD/m2/tháng. Xét riêng từng phân khúc, hạng A tăng nhẹ ở mức 0,8% so với quý trước, hạng B tăng 2%.
Theo đại diện JLL, thời điểm hiện tại thị trường vẫn đang được dẫn dắt bởi chủ đầu tư. Tuy nhiên, tâm lý thị trường có thể sẽ thay đổi nhanh chóng khi có một lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường vào năm 2020.
Theo bà Vân, năm 2020 thị trường văn phòng Hà Nội sẽ sôi động hơn nhiều, với sự góp mặt của Capital Place (phố Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), đây hứa hẹn sẽ là tòa nhà hạng A cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện, nguồn cung hạng A tại Hà Nội khoảng 500.000 m2, trong khi riêng tòa nhà này khi đi vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 90.000 m2 sàn, cùng hơn 5.000 m2 diện tích thương mại, tương đương khoảng 1/5 nguồn cung hạng A hiện tại. Do đó, từ 2020, với sự tham gia thị trường của Capital Place, có thể làm thay đổi vị thế của bên cho thuê, bên thuê khi đàm phán.