Phân khúc nhà ở có khả năng vực dậy thị trường

(ĐTCK) “Dù thị trường trầm lắng, nhưng nhà ở vẫn là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng nhất và đây cũng sẽ là phân khúc có khả năng vực dậy toàn bộ thị trường trong tương lai”.
Phân khúc nhà ở có khả năng vực dậy thị trường

Đó là nhận định của ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội khi trao đổi với Đầu tư Bất động sản.

Quý III/2013 sắp qua đi với nhiều thông tin trái chiều về thị trường bất động sản. Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường hiện nay?

Đúng là thị trường bất động sản đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, thị trường sắp sửa tốt lên, điều này xuất phát từ việc họ không thể tin hoặc không chấp nhận sự đi xuống của thị trường lâu đến vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi kể từ năm 2011 đến nay. Điều chỉnh về cung - cầu, sức mua trên thị trường bất động sản nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung đều đang giảm xuống mức rất thấp.

Phân khúc nhà ở có khả năng vực dậy thị trường ảnh 1

 Ông Trần Như Trung: "đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào khó khăn và khuyến khích các chủ đầu tư phải tự giải quyết lấy khó khăn của mình"

Quý III/2013 chứng kiến nhiều dự án nhà thu nhập thấp tại Hà Nội được khởi công. Tuy nhiên, sau khi khởi công rầm rộ, các dự án lại rơi vào tình trạng đắp chiếu. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này?

Ngay khi Chính phủ đề ra nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản hồi đầu năm 2013, tôi đã nói rằng, việc xây nhà cho người thu nhập thấp là một chủ trương đúng và cần được khuyến khích, nhưng không thể gắn nó với hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vì, mục tiêu tạo dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là mục tiêu mong muốn của Chính phủ và là phi lợi nhuận, trong khi mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận, vì thế, việc lồng ghép 2 mục tiêu này với nhau để đạt được cùng lúc 2 mục tiêu là không thể thực hiện được.

Theo tôi, lĩnh vực phát triển nhà thu nhập thấp là lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận thì Nhà nước nên đứng ra làm, còn lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp thì phải có lợi nhuận họ mới làm. Vì vậy, tôi cho rằng, phải tách rời 2 lĩnh vực này ra để nó hoạt động theo đúng quy luật của thị trường.

 

Cũng trong quý III/2013, nhiều chủ đầu tư phải giảm mạnh giá bán để thoát hàng. Phải chăng, “quả bóng” bất động sản đã bắt đầu nổ và các chủ đầu tư đã lỗ thật, thưa ông?

Thực ra, “quả bóng” bất động sản đã nổ từ lâu. Còn động thái vừa rồi của các chủ đầu tư đúng là họ giảm giá thật. Có dự án giá bán hiện nay so với trước đây 2, 3 năm đã giảm sâu, dù có gọi bằng những tên khác như gói hoàn thiện cơ bản, hoàn thiện hoàn hảo hay giao nhà thô… thì chỉ là cách nói của chủ đầu tư. Một sự giảm giá nữa mà nhiều người không nhìn thấy, hoặc không được tính đến, đó là sự mất giá của đồng tiền do CPI tăng.

Trên thực tế tôi biết, có nhiều chủ đầu tư lỗ thật, thậm chí lỗ rất nặng. Những doanh nghiệp nhanh chân rút ra khi mới tham gia vào dự án thì có thể có lời, hoặc hòa vốn, còn các doanh nghiệp “ôm” dự án đến bây giờ thì lỗ nặng.

 

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, phân khúc nào sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng? Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường từ nay đến cuối năm?

Tôi khẳng định ngay rằng, dù có trầm lắng, thì phân khúc nhà ở vẫn là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng nhất và đây cũng sẽ là phân khúc có khả năng vực dậy toàn bộ thị trường trong tương lai.

Do khó khăn về kinh tế, nên người dân chỉ chi cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, từ nay đến cuối năm là một khoảng thời gian quá ngắn để có thể làm thay đổi được cục diện của thị trường. Tôi vẫn cho rằng, phải đến hết quý II/2014, thị trường mới bộc lộ được hết những khó khăn, yếu kém của mình và có đi lên được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi sức khỏe của nền kinh tế.

 

Theo ông, thị trường bất động sản có cần thêm những giải pháp hỗ trợ?

Tôi cho rằng, các giải pháp đưa ra từ đầu năm đến nay đã làm “loãng” sự chú ý của thị trường đối với cả người mua và chủ đầu tư. Các giải pháp đó vô hình trung tạo ra một lòng tin mơ hồ về sự sớm phục hồi của thị trường, khiến cả người mua và chủ đầu tư đánh mất đi cơ hội của mình, đồng thời, khiến cho thị trường càng chìm sâu hơn vào bế tắc.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào khó khăn và khuyến khích các chủ đầu tư phải tự giải quyết lấy khó khăn của mình, đừng trông chờ vào một “phép màu” nào cả. Còn với người mua, hãy để họ tự quyết định về căn nhà của mình hơn là cho họ một lời hứa về một sự trợ giúp nào đó.

Đức Minh thực hiện
Đức Minh thực hiện

Tin cùng chuyên mục