"Phân khúc chung cư đang xuất hiện dấu hiệu bong bóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia tại Hội nghị “Công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2024 và dự báo thị trường quý 2/2024” do Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức chiều ngày 15/4.
"Phân khúc chung cư đang xuất hiện dấu hiệu bong bóng"

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tại cuộc họp của Chính phủ cách đây nửa năm về bất động sản, Thủ tướng đã nhấn mạnh khủng hoảng bất động sản hiện nay là khủng hoảng phân khúc. Trong đó, cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lên.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể nào dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên được, bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh. Tôi cho rằng, bên ra chính sách phải là bên bỏ tiền, ngân hàng chỉ là trung gian giữa người ban hành chính sách và người thụ hưởng”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nói rằng, cho tới nay, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại “một mình một ngựa” cứ thế tiến lên với tốc độ tăng giá đáng sợ.

Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu của VARS, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019. Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng 16%. Nguyên nhân dẫn đến tăng giá là nhu cầu của thị trường không ngừng tăng mạnh.

Khảo sát của trang Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, mức độ quan tâm chung cư trên toàn quốc trong tháng 1/2024 của người dân cũng tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 46%.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Ông Nghĩa đánh giá thực trạng này là một bước lùi về chiến lược xử lý thị trường bất động sản, về nhà ở.

“Tôi đã cảnh báo rằng phân khúc chung cư lại đang bắt đầu có dấu hiệu của bong bóng và không khéo sẽ lại bong bóng. Tại sao? Một ngày đẹp trời, cung không còn nữa mà cầu vẫn tiếp tục tăng, đường cung và đường cầu lại gần như đi song song, không gặp được nhau. Thậm chí, có tình trạng, một người có nhà và có thể bán được nhưng họ nghĩ giá còn lên nữa nên không bán, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng”, ông Nghĩa nói.

Theo vị chuyên gia, đây là vấn đề cần phải cảnh báo, nếu không thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng sụp đổ.

Ông Nghĩa dẫn chứng, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng/m2.

“Với giá nhà như ở thời điểm hiện tại, xin được hỏi là phải mất bao nhiêu lâu thì những người làm công ăn lương mới có thể mua được nhà”, ông Nghĩa nói.

Vậy “bong bóng” chung cư khi nào sẽ nổ? Ông Nghĩa cho rằng, khi cầu tiếp tục tăng do đầu cơ, cung đột ngột chững lại, do hết dự án, do người có chung cư nhưng không bán vì đợi giá lên nữa, đường cung và đường cầu không còn gặp nhau. Áp lực về vay nợ ngân hàng và thanh khoản sẽ là mồi lửa làm thị trường sụp đổ, đóng băng và phá sản.

“Năm 2016, Bộ Xây dựng giao cho chúng tôi thực hiện một đề án, chúng tôi dự báo gần như chính xác năm 2023 thị trường bất động sản sẽ sụp đổ và thực tế đã diễn ra gần như vậy”, ông Nghĩa nêu.

Việt Dương

Tin cùng chuyên mục