Phân bón Cà Mau: Ưu đãi thuế “đẩy” lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh Covid 19 tác động nhiều mặt thì Phân bón Cà Mau vẫn nỗ lực hiệu quả mang lại kết quả kinh doanh khả quan với mức lợi nhuận tăng trưởng đều đặn.
Phân bón Cà Mau: Ưu đãi thuế “đẩy” lợi nhuận

Ngoài năng lực tự thân, chính sách giảm thuế thu hút đầu tư tại Cà Mau là mấu chốt để đưa đến lợi nhuận cao của doanh nghiệp.

Lợi nhuận tăng tốc

Theo kết quả kinh doanh quý I/2021, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM, sàn HoSE) đạt doanh thu thuần hợp nhất là 1.873 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 67,49% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 151,6%, tăng 63,91% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Đạm Cà Mau đề ra chỉ tiêu về sản lượng sản xuất urê đạt 860.000 tấn; sản lượng kinh doanh urê đạt 791.000 tấn; chỉ tiêu về doanh thu 7.839 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 197 tỷ đồng và nộp nộp ngân sách nhà nước theo kế hoạch là 56,9 tỷ đồng.

Công ty cho biết, tại báo cáo tài chính riêng cho kỳ hoạt động kết thúc ngày 31/3/2021, doanh thu tăng 546,28 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng 464,36 tỷ đồng (tương ứng tăng lần lượt 39,52% và 40,64%) so với năm 2020.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 4,8 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 26,3 tỷ đồng (tương đương lần lượt 15,48% và 74,48%) so với cùng kỳ năm 2020. Những lý do này làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty mẹ tăng 61,06 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 59,11 tỷ đồng.

Về tình hình cụ thể, giá urê thương mại bình quân quý I/2021 tăng khoảng 1,08%, sản lượng bán tăng khoảng 1,3%. Tuy nhiên, chi phí khí tăng làm cho giá thành tăng, cùng với sản lượng bán tăng, nên giá vốn hàng bán quý I/2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu tăng, giá vốn hàng bán tăng, song nhờ sản lượng bán hàng tăng, doanh thu tài chính tăng, chi phí tài chính giảm nhiều, nên lợi nhuận quý I/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Phân bón Cà Mau đã đưa ra một số đánh giá về bối cảnh kinh doanh chung cả năm 2021 của Công ty. Cụ thể, yếu tố thuận lợi là giá urê năm 2021 theo dự báo của Fetercon khoảng 253 USD/tấn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 là 6%, Việt Nam là 6,5%, thời tiết thuận lợi hơn cho mùa vụ, qua đó giúp nhu cầu phân bón được cải thiện, mức tồn kho cuối năm 2020 thấp, giúp chủ động trong việc phân phối sản phẩm năm 2021.

Theo ông Thanh, song song với thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn như: giá dầu đang trên đà tăng, dự báo năm 2021 khoảng 60 USD/thùng, kéo theo giá khí tăng, ảnh hưởng của Covid-19, dư cung trong nước lớn, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu. Đồng nội tệ các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… mất giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của các nước này.

Thực hiện quyết toán thuế đúng luật

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Đạm Cà Mau, Công ty mẹ được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.

Năm 2021 là năm thứ 6, Công ty được hưởng ưu đãi giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính phát sinh từ Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau. Đối với hoạt động kinh doanh khác ngoài Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau, Công ty phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tính trên thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh khác.

Trong số các công ty con, Công ty cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam (PPC) áp dụng theo quyết định của tỉnh Bạc Liêu về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, PPC áp dụng thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm và miễn thuế 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Năm 2021, PPC nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 17%.

Ưu đãi thuế có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty hiện nay, bởi vậy, nhiều nhà đầu tư chú ý tới thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty có nội dung: “Việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ vào quy định hiện hành về thuế và những quy định này “thay đổi theo từng thời kỳ”. Theo đó, việc xác định sau cùng về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào kết quả kiểm tra của cơ quan thuế có thẩm quyền”.

Trước e ngại rằng việc quyết toán thuế như vậy liệu có ảnh hưởng tới lợi nhuận mà Công ty đã công bố, trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo Công ty cho biết, căn cứ kết quả kinh doanh năm trước và quý 1 năm nay đã công bố, mức thuế thu nhập doanh nghiệp PVCFC phải nộp bổ sung khoảng 16 tỷ, cộng với phải nộp trong năm trên 51 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị này đã trích nộp trên 41 tỷ đồng đúng thời hạn và đạt tỷ lệ khá cao. Như vậy, Phân bón Cà Mau còn phải hoàn thành 25 tỷ đồng.

Riêng đối với các ngành nghề phụ trợ khác, Phân bón Cà Mau phải hoàn thành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phù hợp, không ưu đãi.

Mức thuế cần nộp chiếm tỷ lệ cao nhưng hoàn toàn đảm bảo với chiến lược kinh doanh cẩn trọng và phù hợp mà Ban lãnh đạo đang triển khai, bên cạnh các loại như thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, thuế khác… đã hoàn thành đến 90%. Như vậy, Phân bón Cà Mau đã góp phần thiết thực trong nộp ngân sách địa phương, hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp với đất nước.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục